Những chiếc xe buýt chở học sinh của Mỹ thoạt nhìn có vẻ cũ kĩ, nhưng lại là nơi hội tụ những phát kiến an toàn cho trẻ em rất đáng học hỏi.
Với màu vàng đặc trưng, xe buýt chở học sinh đã trở thành biểu tượng ở mọi đô thị nước Mỹ trong hơn một thế kỷ qua và là một phần không thể thiếu trong hệ thống giáo dục Mỹ khi đóng vai trò mắt xích kết nối các khu dân cư với các trường học.
Lịch sử của phương tiện chở học sinh tại Mỹ bắt đầu vào năm 1852, khi bang Massachusetts quy định việc học tập là bắt buộc. Mẫu xe chuyên dụng đầu tiên, do ngựa kéo, với màu vàng đặc trưng xuất hiện vào năm 1886. Mẫu xe chở học sinh đầu tiên này sở hữu nhiều đặc điểm mà tới nay vẫn có mặt trên xe buýt hiện đại, như cửa ra ở phía sau.
Trong những năm phát triển sau đó, xe buýt chở học sinh liên tục được cải tiến với nhiều tính năng an toàn.
Đến khoảng những năm 1930-1940, cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, nhu cầu về xe buýt chở học sinh tại Mỹ cũng bùng nổ, dẫn đến sự xuất hiện của hàng loạt doanh nghiệp trong lĩnh vực này như Gillig, Dodge Brothers, Crown... Hàng ngàn nhà sản xuất độc lập cũng xuất hiện trong giai đoạn này, với sản phẩm được chế tạo dựa trên việc "độ" lại các mẫu xe thương mại thông thường.
Việc nhiều sản phẩm khác biệt và không theo quy chuẩn cụ thể nào xuất hiện trên thị trường khiến chất lượng trở nên khó kiểm soát, thúc đẩy các nhà lập pháp Mỹ đưa ra khung quy định riêng cho xe buýt chở học sinh. Năm 1939, giới chức giao thông Mỹ với sự dẫn dắt của Tiến sĩ Frank W. Cyr công bố 44 quy chuẩn mà mọi xe buýt chở học sinh đều phải tuân thủ, trong đó có sắc vàng đặc trưng.
Màu này có tên chính thức là "màu vàng trường học quốc gia", được chọn lựa vì dễ nhìn thấy trong mọi điều kiện thời tiết và nhiệt độ, qua đó đảm bảo các phương tiện giao thông khác trên đường đều dễ dàng nhận biết xe chở học sinh để nhường đường, tránh rủi ro.
Kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, xe buýt chở học sinh liên tục được bổ sung cải tiến mới, như bộ nâng xe lăn hỗ trợ người khuyết tật. Giai đoạn này chứng kiến tốc độ trung bình của phương tiện giao thông tăng lên nhanh chóng nhờ các phát kiến của ngành công nghiệp ô tô, đặt ra thách thức mới về tính năng an toàn. Hệ quả là, những chiếc xe buýt chở học sinh được gia cố đáng kể, lần đầu tiên sử dụng hệ thống khung gầm riêng biệt có thể duy trì được kết cấu ngay cả khi bị lật hay lăn.
Tới năm 1973, thêm nhiều quy chuẩn mới đối xe buýt chuyên chở học sinh được Ủy ban an toàn giao thông đường bộ Mỹ (NHTSA) đề ra, như cơ chế khóa động cơ khi cửa thoát hiểm phía sau xe đang mở; các cải tiến nhằm gia tăng an toàn khi xe bị lật; kết cấu động cơ tránh rò rỉ nhiên liệu gây hỏa hoạn; ghế ngồi dày hơn để bảo đảm an toàn trong trường hợp va chạm; biển báo hiệu cho phương tiện xung quanh...
Với kích thước đồ sộ, xe buýt chở học sinh cũng nằm trong diện điều chỉnh của các quy định phương tiện giao thông đường bộ cỡ lớn khác mà Mỹ đưa ra trong giai đoạn này, đặc biệt là về tầm nhìn và chiếu sáng, càng khiến chúng trở nên an toàn hơn bao giờ hết.
Từ năm 1986, Mỹ cũng triển khai hệ thống bằng lái riêng cho tài xế xe buýt chở học sinh, với những yêu cầu chuyên biệt về tập huấn, đào tạo. Song song với đó, những chiếc xe tiếp tục có thêm cải tiến mới, như nâng độ cao để đảm bảo nổi bật trên đường, bổ sung gương chiếu hậu vào các vị trí có điểm mù, sử dụng hộp số tự động, cơ chế điều khiển lái được tối ưu để hạn chế mất tập trung...
Cải tiến quan trọng bậc nhất nằm ở cửa thoát hiểm thứ hai ở trên nóc xe, rất hữu dụng trong tình huống phương tiện bị lật. Ngoài ra, cửa sổ và một số tấm thép thân trên xe cũng được thiết kế để có thể bung ra nhanh chóng. Để tránh tình huống tài xế không nhìn thấy học sinh đi qua mũi xe, nhiều nhà sản xuất cũng bổ sung barrier chắn học sinh, hoặc đẩy vị trí ghế lái lên phía trước.
Giai đoạn này, Mỹ cũng chính thức cấm việc cải tiến các mẫu xe van dân dụng cho mục đích chở học sinh, thay vào đó yêu cầu các nhà sản xuất tung ra những chiếc xe cỡ nhỏ nhưng vẫn phải đáp ứng các tiêu chí an toàn nhất định, phục vụ các khu vực chật hẹp.
Những năm 2000 là lúc thế hệ xe buýt chở học sinh hiện đại của Mỹ thành hình. Không cần tới tác động từ chính quyền, các nhà sản xuất ô tô lúc này rất tích cực chủ động bổ sung tính năng an toàn, trong bối cảnh đây là tiêu chí có tính quyết định đối với doanh số của xe buýt chuyên chở học sinh.
Một số thay đổi đáng chú ý xuất hiện trong giai đoạn này là đèn hiệu LED cảnh báo có độ sáng cao giúp những chiếc xe buýt chở học sinh dễ được quan sát thấy vào ban ngày; camera giám sát trong xe...
Trong số này, quan trọng hơn cả chính là hệ thống xác nhận không có học sinh bị bỏ sót trong xe (NSLBS). Hệ thống này yêu cầu các lái xe mỗi lần tắt máy buộc phải di chuyển tới cuối xe để bấm nút xác nhận, qua đó có thể kiểm tra từng hàng ghế để chắc chắn không có học sinh nào sót lại.
Kể từ năm 2010, hầu hết các cải tiến đối với xe buýt chở học sinh tại Mỹ đều là các tính năng điện tử, nhưng không phải các tính năng hiện đại, tiện nghi như ô tô dân dụng, mà là máy quay giám sát bên ngoài xe, hệ thống định vị GPS, thiết bị giám sát vị trí, cảm biến khoảng cách quanh xe...
Các quy định đối với hoạt động lái xe cũng được đề ra, như khi tài xế vượt qua điểm giao với đường sắt phải dừng lại, mở cửa xe và quan sát kỹ. Học sinh đăng ký sử dụng xe buýt sẽ được nhà trường tổ chức đào tạo kỹ năng thoát hiểm, sơ cứu cơ bản.
Ngoài những yếu tố kể trên, còn hàng loạt các tính năng an toàn khác mà những chiếc xe buýt chở học sinh tại Mỹ được trang bị trong suốt lịch sử phát triển, như sơn phản quang thân xe, kính lái dễ bung về phía trước, cơ cấu sấy gương chiếu hậu ngoài xe, trang bị dao cắt dây an toàn chuyên dụng trong xe... Trong bối cảnh làn sóng điện hóa lan rộng ngày nay, nhiều khu vực tại Mỹ cũng bắt đầu yêu cầu xe chở học sinh phải không phát thải.
Tất cả những nỗ lực này của nước Mỹ đã biến những chiếc xe buýt chở học sinh thành phương tiện giao thông an toàn bậc nhất, đảm bảo các chuyến đi bình yên cho các thế hệ tương lai của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.