(HNM) - Khi ca khúc "Đồng hồ treo tường" vượt qua 14 ca khúc vào chung kết năm để đoạt giải Bài hát Việt (BHV) năm 2009, nhiều người cho đó là phần thưởng xứng đáng dành cho chàng trai Hà Nội 30 tuổi này sau nhiều năm "theo đuổi" BHV và âm thầm làm nhạc ở nơi xa quê hương nửa vòng trái đất.
"Đồng hồ treo tường" thuộc khuynh hướng nhạc điện tử (electronic) được anh viết vào khoảng cuối năm 2005, khi nhạc sỹ Quốc Trung đặt viết bài cho album của ca sĩ Tùng Dương. Đó là thời điểm anh bắt đầu yêu thích nhạc electronic. Bản phối điện tử mà ca sỹ Tùng Dương hát trong BHV là bản phối thô sơ đầu tiên anh làm cho Dương khi viết bài hát. Hiện tại, anh chuyên làm về nhạc điện tử và album sắp ra của anh cũng theo thể loại nhạc này. "Tôi thích electronic vì âm hưởng của các loại âm thanh được pha trộn và tái tạo bằng nhiều cách khác nhau, tạo ra những không gian âm thanh rất lạ, cho phép người sáng tạo nghệ thuật được thể hiện tác phẩm của mình một cách sống động và đa chiều hơn", anh chia sẻ.
Nguyễn Xinh Xô sinh trưởng trong gia đình có truyền thống âm nhạc. Bố là nhạc sĩ Nguyễn Xinh - nguyên Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam, Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Mẹ anh nguyên là giảng viên violin của học viện này. Anh theo học violin từ năm lên 5 tuổi. 18 tuổi, sau cú sốc lớn vì bố mất đột ngột, anh dừng học nhạc để theo học ngành công nghệ thông tin tại Đại học dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà Nội. Năm 1999, anh du học Mỹ và lập gia đình tại Mỹ. Hiện anh đang làm nhạc độc lập ở Mỹ. "Đồng hồ treo tường" được viết trong khoảng thời gian anh rất vất vả kiếm sống nơi xứ người. Nhịp sống gấp gáp và mệt mỏi khiến anh chỉ cầu mong cho ngày qua thật nhanh để được đến đêm. Khi đêm đến là lúc anh được thảnh thơi nhất để trở về với chính mình. Ấy cũng là lúc nỗi cô đơn, nỗi buồn càng ám ảnh anh hơn bao giờ hết. Rồi anh lại mong cho đêm qua thật nhanh để ngày lại tới. Cứ như vậy, bảy ngày một tuần, tháng này qua tháng nọ, năm này sang năm khác. Vòng quay bất tận của tạo hóa có lúc khiến anh mệt mỏi đến mức có cảm giác không thể thoát ra nổi, như chiếc kim của đồng hồ cứ cắm đầu chạy vòng quanh mà không bao giờ thoát ra khỏi chuỗi số.
Đến với BHV từ năm đầu tiên và lập tức gây ấn tượng với ca khúc "Giấc mơ lạ" - một trong những ca khúc hay nhất của BHV 2005, Nguyễn Xinh Xô tiếp tục được chú ý với "Để dành", "Thôi em về đi"... trong những năm tiếp theo. Hai ca khúc "Nước sâu" và "Để dành" trong album "Đối thoại 06" của ca sĩ Trần Thu Hà được ví như những bức họa đa sắc càng khẳng định cá tính âm nhạc Nguyễn Xinh Xô. Tham gia BHV với anh thật sự là "bước ra ánh sáng". Không thích được xướng tên theo các giải thưởng nhưng với vị trí quán quân BHV 2009, có thể coi đó là sự công nhận phong cách, cá tính âm nhạc của anh sau 4 năm tham gia sân chơi này. Năm nay, anh và ca sỹ Tùng Dương tiếp tục hợp tác trên sân khấu BHV với những sản phẩm âm nhạc mang đậm cá tính.
Hỏi Nguyễn Xinh Xô về trách nhiệm của các nhạc sĩ trong việc góp phần đưa âm nhạc nghệ thuật gần gũi hơn và nâng âm nhạc thị trường lên một bậc cao hơn, anh nói: "Tôi và âm nhạc của tôi quá nhỏ bé, có mười bài hát của tôi cũng chẳng đủ sức nâng âm nhạc thị trường lên nửa bậc. Chỉ có thị hiếu và văn hóa thưởng thức của khán giả là có thể nâng âm nhạc thị trường lên. Đặc biệt là trách nhiệm và sự tôn trọng chính mình của người viết nhạc để không bị cuốn hút theo những thị hiếu thấp kém, dễ dãi và pha tạp".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.