(HNM) - Đã hơn mười năm qua, cứ ngày 15 hằng tháng, giới âm nhạc Thủ đô lại tập hợp ở địa chỉ số 19 Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm (trụ sở của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, trong đó Hội Âm nhạc Hà Nội là một hội thành viên). Từ nơi đây, hàng trăm tác phẩm mới, thắm đượm tình yêu Hà Nội được "chắp cánh" đến với công chúng, hòa vào đời sống, góp phần duy trì, cổ vũ lực lượng sáng tác.
Điểm hẹn của giới âm nhạc Thủ đô
Nhạc sĩ Lê Mây hiếm khi bỏ lỡ buổi sinh hoạt giới thiệu tác phẩm mới nào của Hội Âm nhạc Hà Nội. Cứ giữa tháng, ông lại lái xe từ nhà riêng ở ngoại thành đến "ngôi nhà chung" của văn nghệ sĩ Thủ đô để gặp gỡ đồng nghiệp, chia sẻ về âm nhạc. "Tôi thường giới thiệu các tác phẩm mới của mình, góp ý cho những sáng tác của đồng nghiệp hay truyền kinh nghiệm cho những người trẻ", nhạc sĩ Lê Mây cho biết.
Còn theo nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, một thời gian dài ông cảm thấy cùn mòn, không có sáng tạo mới. Sau đó, ông tham gia các kỳ sinh hoạt của Hội Âm nhạc Hà Nội, được trao đổi với các nhạc sĩ, nhất là những người trẻ đã cho ông cảm hứng, nét tươi mới để sáng tác.
Theo nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, giới thiệu tác phẩm mới hằng tháng là một trong những hoạt động được Ban Chấp hành Hội Âm nhạc Hà Nội dày công xây dựng, duy trì qua các thời kỳ. Hằng tháng, Hội đồng nghệ thuật tập hợp những sáng tác mới của hội viên gửi về, thẩm định chất lượng và lựa chọn giới thiệu 10-15 tác phẩm trong kỳ sinh hoạt giữa tháng để hội viên thưởng thức, góp ý.
Từ đây, đã có hàng trăm tác phẩm giá trị về chủ đề ca ngợi truyền thống lịch sử, cách mạng của Thủ đô và đất nước, ca ngợi vẻ đẹp Hà Nội, góp phần xây dựng nếp sống, con người Hà Nội văn minh, thanh lịch... được giới thiệu và lan tỏa. Không gian này cũng chứng kiến sự ra đời những tác phẩm mới của các nhạc sĩ kỳ cựu, như: Doãn Nho, Nguyễn Tài Tuệ, Văn Dung, Vũ Thiết, Ngô Quốc Tính, Đỗ Hồng Quân… và "chắp cánh" cho nhiều sáng tác của đội ngũ nhạc sĩ trẻ: Giáng Son, Nguyễn Tiến Mạnh, Huyền Ngọc, Trần Nghệ…
Không chỉ giới sáng tác, hoạt động biểu diễn âm nhạc cũng thu hút các nghệ sĩ tích cực tham gia, trong đó có những giọng ca được yêu mến, như: Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoa, Nghệ sĩ ưu tú Bích Việt… "Đây là điểm hẹn truyền cảm hứng sáng tác cho các thế hệ, cổ vũ những đóng góp lành mạnh, chất lượng vào đời sống âm nhạc Thủ đô", nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh nhấn mạnh.
Lan tỏa tình yêu âm nhạc
Trong nhiệm kỳ 2016-2020, lực lượng trẻ đã đem lại "luồng gió mới" cho Hội Âm nhạc Hà Nội. Bên cạnh sự xuất hiện của nhiều tác giả thế hệ 8X, 9X có tác phẩm chất lượng tham gia, thì với thế mạnh về công nghệ, truyền thông, đội ngũ này đã góp phần quảng bá, lan tỏa hoạt động hội đến đông đảo công chúng. Nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh chia sẻ: "Tham gia sinh hoạt hội, tôi may mắn được gặp gỡ các nhạc sĩ tên tuổi của âm nhạc nước nhà, lắng nghe họ góp ý cho những sáng tác mới. Đây là cơ hội để tôi có thêm nguồn tác phẩm mới giới thiệu trên các kênh sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam - nơi tôi công tác".
Hiện, hầu hết các sáng tác mới, các kỳ sinh hoạt của hội đều được giới thiệu trên website, trang Facebook và kênh Youtube của hội. Hằng tháng, các tác phẩm mới được Truyền hình Nhân Dân lựa chọn phát sóng trong chương trình "Tình yêu Hà Nội", Đài Tiếng nói Việt Nam thu âm phát sóng trong chương trình "Giới thiệu tác phẩm mới". Đặc biệt, trong thời gian thực hiện cách ly xã hội phòng, chống dịch Covid-19, việc giới thiệu tác phẩm mới của hội vẫn được duy trì bằng hình thức trực tuyến. Trong đó, chương trình "Hội Âm nhạc Hà Nội cùng cả nước chung tay phòng, chống dịch Covid-19" vào ngày 15-4, 14 ca khúc về chủ đề này đã được giới thiệu, truyền những thông điệp ý nghĩa đến cộng đồng.
Hai tháng trở lại đây, Hội Âm nhạc Hà Nội đã tạo bước đột phá, khi tổ chức phát trực tuyến sinh hoạt giới thiệu tác phẩm mới trên Facebook. Hình thức này, theo nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, giúp các hội viên vì điều kiện khách quan không tham gia trực tiếp vẫn theo dõi được chương trình và lan tỏa các tác phẩm đến với giới âm nhạc, công chúng cả nước.
Để mỗi kỳ sinh hoạt ngày càng chuyên nghiệp, chất lượng, nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh cho biết, bắt đầu từ tháng 7-2020, các tác phẩm mới sẽ được dàn dựng và giới thiệu thành kịch bản, với người dẫn chương trình xuyên suốt. Trang thiết bị ghi hình phát trực tuyến cũng được đầu tư hiện đại, chất lượng hơn. Dự kiến trong kỳ sinh hoạt tới, bên cạnh các ca khúc, hội sẽ giới thiệu tác phẩm khí nhạc nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng công chúng và hướng tới phát triển nền âm nhạc đa dạng, toàn diện.
Duy trì và phát triển sinh hoạt giới thiệu tác phẩm mới sẽ giúp Hội Âm nhạc Hà Nội lan tỏa tình yêu âm nhạc, kích thích hội viên sáng tạo, đóng góp nhiều tác phẩm mới, có giá trị cho đời sống âm nhạc nói riêng và công cuộc xây dựng, phát triển văn hóa Thủ đô nói chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.