(HNM) - Hơn 3 năm qua, thế giới đã chứng kiến sự tàn phá kinh hoàng, thảm khốc của đại dịch Covid-19. Vào những thời điểm cam go nhất của đại dịch, đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế đã làm việc quên ngày, quên đêm, với nhiều hy sinh, mất mát để giành giật sự sống cho người bệnh. Khi đại dịch qua đi, những “chiến sĩ áo trắng” ấy tiếp tục nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức từ trong chính nội tại của ngành để tiếp tục hoàn thành sứ mệnh chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân.
Tất cả vì người bệnh
Những ngày này, nhiều bệnh viện trên cả nước lên tiếng kêu cứu vì thiếu trầm trọng trang thiết bị, vật tư y tế. Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cũng không ngoại lệ. Do thiếu hụt vật tư y tế, hóa chất nên từ ngày 1-3 tới, bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt này sẽ phải hạn chế mổ phiên và chỉ ưu tiên mổ cấp cứu. Giữa lúc thiếu thốn, khó khăn trăm bề, song bệnh viện vẫn cố gắng thực hiện thành công ca ghép cùng lúc tim và thận cho bệnh nhân T.T.Q (37 tuổi ở tỉnh Gia Lai). Đây cũng là ca ghép tim - thận thành công đầu tiên ở Việt Nam. Trước đó, có 3 ca được ghép đa tạng thành công tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức và hai bệnh viện khác, nhưng là ghép gan - thận, tụy - thận và tim - phổi.
Trên thế giới, ca ghép đa tạng được thực hiện tương đối ít. Bởi, rủi ro của ghép tạng đa cơ quan thường cao hơn rủi ro của ghép tạng riêng lẻ. GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức chia sẻ, ghép tim và ghép thận là các kỹ thuật thường quy tại bệnh viện. Tuy nhiên, ghép cả hai tạng cùng lúc như lần này là một thách thức lớn, các phương án mổ ghép được tính toán kỹ lưỡng đến từng chi tiết. Đến ngày thứ 8 sau ghép, các chức năng tim và thận của anh Q. đã phục hồi gần như bình thường. Giờ đây, anh đã có thể ngồi dậy ăn uống và giao tiếp, không cần các phương tiện hỗ trợ đặc biệt về tim mạch và hô hấp. “Đây là “món quà” rất ý nghĩa mà nhân viên y tế muốn gửi tới tất cả những người bệnh, người dân trên cả nước đúng dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2…”, GS.TS Trần Bình Giang nói.
Còn PGS.TS Mai Duy Tôn - người đặt những viên gạch đầu tiên thành lập Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) luôn nỗ lực để đưa những kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực đột quỵ của thế giới về ứng dụng tại Việt Nam. Mới đây, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Duy Tôn đã được Hội Đột quỵ thế giới đề cử vào nhóm các cá nhân xuất sắc được vinh danh năm 2022, vì những đóng góp to lớn cho chuyên ngành đột quỵ của Việt Nam và thế giới. Không thể nhớ mình đã cứu sống được bao nhiêu người bệnh, nhưng điều mà Giám đốc Trung tâm Đột quỵ luôn tâm niệm: “Với người bệnh đột quỵ thì thời gian là vàng. Do đó, khi người bệnh được đưa vào cấp cứu, không thể chờ người nhà bệnh nhân có hay chưa có tiền đóng viện phí, có bảo hiểm hay không… mà điều quan trọng là cứu chữa, mang lại sự sống cho họ…”.
Không chỉ ứng dụng nhiều kỹ thuật cao cứu sống các sản phụ và thai nhi mắc bệnh hiếm, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội còn là một trong những bệnh viện đi đầu trong công tác khảo sát chất lượng bệnh viện. Bệnh viện thực hiện rất nhiều biện pháp để lấy góp ý từ người bệnh như: Khảo sát bằng phiếu theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thiết lập QR Code, hộp thư góp ý, họp hội đồng người bệnh…
Theo GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, các cải tiến chất lượng tập trung vào chất lượng chuyên môn, hài lòng người bệnh, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, tinh thần thái độ của nhân viên y tế… Góp ý của người bệnh, người nhà người bệnh ở khâu nào, phàn nàn về vấn đề gì, ở cấp độ bệnh viện hay khoa, phòng đều được bộ phận chức năng của bệnh viện tiếp nhận và giải quyết ngay.
Xây dựng nền y tế Việt Nam tiên tiến
Trong thư gửi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ, trong các giai đoạn lịch sử của đất nước, ngành Y tế luôn cố gắng, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả của mình. Hơn 3 năm qua, không ngòi bút nào kể hết sự cống hiến, hy sinh, gian khổ, mất mát của những cán bộ, nhân viên y tế trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 - một cuộc chiến đầy cam go, vô vàn thách thức, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử y tế Việt Nam.
Người đứng đầu ngành Y tế cũng cho rằng, đại dịch đi qua đã làm bộc lộ những bất cập, thách thức của hệ thống y tế, nhất là về hành lang pháp lý; bảo đảm nguồn nhân lực, thuốc, trang thiết bị y tế… tạo áp lực lớn đối với việc triển khai nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hơn lúc nào hết, cán bộ y tế toàn ngành cần nêu cao tinh thần đoàn kết để từng bước triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập trước mắt. Cùng với đó là giải quyết các vấn đề mang tính lâu dài, chung tay xây dựng một nền y tế Việt Nam tiên tiến, dân tộc, khoa học, đại chúng đáp ứng ngày càng cao yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Và chỉ vài ngày nữa, bệnh nhân T.T.Q - ca ghép cùng lúc tim và thận đầu tiên, sẽ trở lại quê nhà ở tỉnh Gia Lai, mang theo trái tim, quả thận của một người xa lạ hiến tặng cùng ân tình mà những y, bác sĩ tại Hà Nội dành cho anh. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà chia sẻ, dù còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng tất cả sẽ không phải là rào cản, không thể làm nhụt chí, thậm chí là động lực để những người thầy thuốc thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.