Y tế

Kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2024): Y tế Thủ đô vượt khó vươn lên

Thu Trang 27/02/2024 - 06:15

Dù đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhưng ngành Y tế Thủ đô vẫn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Không chỉ đẩy mạnh phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu, thời gian qua, các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội còn ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, tích cực chuyển đổi số nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

phau-thuat.jpg
Các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội thực hiện một ca phẫu thuật.

Nâng cả lượng và chất

Bị bệnh lý tim bẩm sinh phức tạp, nội tạng đảo ngược, tim nằm bên phải, bé gái 2 tuổi ở tỉnh Tuyên Quang được gia đình đưa đi khám nhiều nơi nhưng đều bị từ chối vì khó phẫu thuật. Khi đến Bệnh viện Tim Hà Nội, các bác sĩ nhận định, đây là một tổn thương giải phẫu bệnh cực kỳ hiếm gặp. Nếu không được phẫu thuật, nguy cơ bé gái sẽ tử vong trước 5 tuổi chiếm hơn 50%, do đó, các bác sĩ đề ra phương án, cần theo dõi để tiến hành can thiệp. Sau hai năm theo dõi, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Sinh Hiền quyết định phẫu thuật sửa chữa lại trái tim cho bé.

Ca mổ được thực hiện với đầy thách thức đối với các y, bác sĩ, đòi hỏi kỹ thuật mổ rất tốt mới có thể sửa chữa được hoàn hảo. May mắn, sau hơn 5 tiếng, trái tim của bé đã được sửa lành lặn.

Cùng với ca bệnh đặc biệt nêu trên, các thầy thuốc Bệnh viện Tim Hà Nội còn can thiệp, hồi sinh nhiều trái tim lỗi nhịp cho những bé sơ sinh non tháng, nhẹ cân.

Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giám đốc Bệnh viện Hoàng Văn nhớ lại một ca can thiệp tim mạch cho bé sơ sinh có cân nặng nhỏ nhất, chỉ vỏn vẹn 700gr. “Can thiệp tim mạch với bệnh nhân bé xíu như vậy thực sự là đòn “cân não” với người thầy thuốc. Thế nhưng, khi trái tim của bệnh nhi hồi sinh, chúng tôi như vỡ òa trong niềm hạnh phúc”, Phó Giám đốc Hoàng Văn nói.

Với tôn chỉ và mục tiêu “Vì một trái tim khỏe”, đến nay Bệnh viện Tim Hà Nội đã phẫu thuật được hầu hết các bệnh lý tim mạch bẩm sinh và mắc phải phức tạp, trong đó có những kỹ thuật mà cả nước chỉ có một số trung tâm thực hiện được, nhiều kỹ thuật đã đạt tầm thế giới. Nhờ đó, số lượng bệnh nhân đến với bệnh viện ngày càng tăng lên. Nếu như năm 2005, bệnh viện mới tiếp nhận 11.370 lượt bệnh nhân đến khám, thì đến năm 2023 đã tăng lên hơn 529.000 lượt (gấp hơn 45 lần)…

Chỉ có chuyên môn tốt chưa đủ để thu hút bệnh nhân, mà cần thêm yếu tố chất lượng dịch vụ và thái độ phục vụ của y, bác sĩ, nhân viên y tế. Nhận thức rõ vấn đề cốt lõi đó, cuối năm 2019, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang bắt đầu áp dụng việc khám đúng giờ, đúng ngày đã hẹn. Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Văn Thường cho biết, sau khi xây dựng phần mềm đặt lịch hẹn khám theo mô hình “khoang máy bay”, bệnh viện yêu cầu nhân viên y tế tuân thủ lịch hẹn khám, đồng thời hướng dẫn bệnh nhân tạo thói quen đến khám đúng giờ, đúng ngày. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 2.000 bệnh nhân tới khám, khoảng 700 bệnh nhân nội trú. 60% bệnh nhân tới khám ngoại trú có lịch hẹn trước, số còn lại là cấp cứu hoặc không hẹn. “Đến nay, 90% lượng bệnh nhân có hẹn lịch đến đúng giờ, đúng ngày. 60 bàn khám của bệnh viện dù mỗi ngày đón tiếp tới 2.000 bệnh nhân nhưng không quá tải”, ông Nguyễn Văn Thường nói.

Cùng với đó, từ cuối năm 2022, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang thêm bước số hóa trong thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Theo đó, thanh toán trực tuyến (online) chỉ mất 13 bước, giảm 11 bước so với thanh toán tiền mặt.

Rút ngắn khoảng cách chuyên môn

Không chỉ triển khai nhiều kỹ thuật mới, thu hút số lượt khám, chữa bệnh tăng nhanh, năm 2023, ngành Y tế Hà Nội đã triển khai thành công mô hình “Bệnh viện chị - em”. Bước đầu mô hình này được thí điểm giữa Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn với Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, Trung tâm Y tế huyện Ba Vì và tiếp đến nhân rộng trên toàn thành phố.

Với mô hình này, hằng ngày, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn thông qua hệ thống khám, chữa bệnh từ xa trao đổi chuyên môn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật và trực tiếp điều trị đối với những ca bệnh nặng, phức tạp với Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, Trung tâm Y tế huyện Ba Vì và nhiều đơn vị y tế tuyến xã. Quyết định sự thành công và tính bền vững của mô hình là cần ứng dụng tối đa công nghệ thông tin giữa các cơ sở như khám bệnh từ xa, hội chẩn từ xa, đào tạo từ xa, “đi buồng ảo”, chuyển tuyến điện tử.

Qua mô hình này, theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, bệnh nhân được “chuyển tuyến ảo” và bác sĩ được “đi buồng điện tử” đã thật sự rút dần khoảng cách chuyên môn, địa lý giữa bệnh viện tuyến trên với bệnh viện tuyến dưới. Quan trọng hơn, người dân được các bác sĩ giỏi tuyến trung ương, tuyến thành phố điều trị ngay tại địa phương, giảm tỷ lệ chuyển tuyến, giảm quá tải cho tuyến trên.

Thời gian tới, ngành Y tế Hà Nội sẽ chú trọng điều tiết hoạt động chuyên môn và gắn kết nhịp nhàng giữa các tuyến khám, chữa bệnh để người dân Thủ đô được phục vụ, chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2024): Y tế Thủ đô vượt khó vươn lên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.