Thời gian qua, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn song ngành Y tế Hà Nội đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh; chất lượng công tác khám, chữa bệnh được nâng cao.
Sự chú trọng đầu tư và làm chủ các kỹ thuật, hệ thống máy móc hiện đại giúp các bệnh viện công trên địa bàn Thủ đô nâng tầm chuyên môn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu điều trị của người dân.
Đầu tư kỹ thuật cao ngang tầm khu vực và thế giới
Ngành Y tế Hà Nội được thành lập ngày 9-9-1954, ban đầu chỉ có hơn 20 cán bộ y tế, cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu. Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, cho đến nay, hệ thống y tế Thủ đô đã có sự phát triển vượt bậc.
Thời gian qua, toàn ngành đã triển khai thực hiện nhiều kỹ thuật chuyên sâu tại các bệnh viện. Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, và đặc biệt là Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội với trang thiết bị hiện đại, đồng bộ hàng đầu Việt Nam đã ứng dụng thành công các kỹ thuật khó, tiên tiến trên thế giới, trong đó có phẫu thuật xâm lấn tối thiểu (nội soi 1 lỗ Troca ở khu vực bụng)... Những năm gần đây, Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội đón nhận nhiều trường hợp người bệnh cần áp dụng phương pháp mổ kỹ thuật cao, phẫu thuật tiêu hóa xâm lấn tối thiểu và đã thực hiện phẫu thuật thành công cho những ca bệnh người nước ngoài với phương pháp mà chỉ có rất ít quốc gia trên thế giới làm được.
Từ năm 2019, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã trở thành bệnh viện công đầu tiên trong cả nước thực hiện thành công kỹ thuật phẫu thuật can thiệp bào thai cho thai phụ có song thai mắc hội chứng truyền máu và và hội chứng dải xơ buồng ối. Đây được đánh giá là kỹ thuật cao nhất trong lĩnh vực sản phụ khoa trên thế giới hiện nay.
Trong năm 2023, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã tổ chức Hội nghị thường niên y học bào thai lần thứ nhất với chủ đề “Bất thường tim bẩm sinh: Từ chẩn đoán trước sinh đến can thiệp sau sinh” - một bệnh lý có tỷ lệ xuất hiện cao và là thách thức không chỉ trong sàng lọc, chẩn đoán, can thiệp trước sinh mà còn trong các phần việc phối hợp quản lý, hồi sức sau sinh. Hội thảo có sự tham gia của nhiều giáo sư đầu ngành về Y học bào thai trên thế giới và Việt Nam, góp phần nâng cao hiểu biết, trình độ, kỹ năng thực hành một phần việc quan trọng trong lĩnh vực y tế.
Bên cạnh đó, gần đây, các bệnh viện tuyến thành phố tích cực hợp tác quốc tế và phối hợp với các cơ sở y tế trong nước để tiếp nhận, chuyển giao, áp dụng thành tựu y học mới trong chẩn đoán và điều trị. Các bệnh viện tuyến huyện cũng chủ động phối hợp với các bệnh viện tuyến thành phố để nâng cao kỹ thuật chuyên môn tại đơn vị.
Ngoài việc phát triển các kỹ thuật cao, các bệnh viện trên địa bàn Thủ đô đã xây dựng và triển khai nhiều biện pháp cải cách hành chính, tích cực chuyển đổi số nhằm giảm tỷ lệ chuyển tuyến, làm tốt công tác rà soát, bổ sung danh mục kỹ thuật chuyên môn, triển khai thêm dịch vụ kỹ thuật phục vụ nhu cầu người bệnh. 100% cơ sở y tế triển khai hệ thống khám, chữa bệnh bằng thẻ Bảo hiểm y tế điện tử, lắp đặt thiết bị đọc thẻ Căn cước công dân gắn chíp để người dần sử dụng thay thế cho thẻ Bảo hiểm y tế.
Đổi mới công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân từ tuyến cơ sở
Ngành Y tế Thủ đô định hướng chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân từ tuyến cơ sở, cụ thể là từ trạm y tế xã. Việc phát triển hệ thống y tế cơ sở góp phần quan trọng trong việc quản lý sức khỏe ban đầu cho nhân dân, giảm số bệnh nhân khám, chữa bệnh vượt tuyến, qua đó góp phần giải bài toán quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Thời gian qua, các mô hình Trạm Y tế điểm hoạt động theo nguyên lý y học gia đình trên địa bàn Hà Nội đã hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo bệnh nhân tới khám, chữa bệnh thay vì phải vượt tuyến..., đảm bảo chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân và phòng, chống dịch bệnh ngay từ cơ sở.
Đánh giá về hiệu quả của phần việc nói trên, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Phú Xuyên đang triển khai thí điểm mô hình khám, chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình, tạo hiệu quả đáng ghi nhận và được nhiều tỉnh, thành phố đến tìm hiểu, học tập.
Với mô hình này, người dân được quản lý sức khỏe toàn diện, suốt đời dưới sự hướng dẫn trực tiếp của bác sĩ. Trong số người sử dụng dịch vụ, có 80% sử dụng dịch vụ tư vấn, dự phòng về sức khỏe; 20% là khám, chữa bệnh. Trong thời gian tới, thành phố cần phát triển mô hình này, điều kiện thuận lợi là chỉ cần bác sĩ đa khoa là có thể khám, chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình.
Để phát huy hiệu quả của tuyến y tế cơ sở, hiện ngành Y tế Thủ đô đang tập trung tìm hiểu về khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để kịp thời tháo gỡ, đặc biệt là trong triển khai quản lý sức khỏe toàn dân trên địa bàn từng quận, huyện, thị xã; đảm bảo vật tư y tế cho công tác phòng, chống dịch bệnh...
Sở Y tế Hà Nội đang đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật chuyên môn cho tuyến dưới; đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây mới, cải tạo, nâng cấp, bổ sung trang thiết bị, máy móc, hóa chất phục vụ công tác y tế dự phòng của các trung tâm y tế, phòng khám đa khoa, trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Năm 2023, toàn ngành Y tế Thủ đô đã thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu được thành phố giao và chỉ tiêu phấn đấu của ngành, gồm: Giảm 0,1% tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên so với năm 2022; giảm 0,1% tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng so với năm 2022; đạt tỷ lệ 36,44 giường bệnh/vạn dân, 16,6 bác sĩ/10.000 dân; 488/579 xã (84,2%) đạt chuẩn quốc gia về y tế xã.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong năm 2023, Sở Y tế Hà Nội xác định mục tiêu chung của toàn ngành trong năm 2024 là phát triển đồng bộ hệ thống y tế chuyên sâu và phổ cập trên địa bàn thành phố, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân Thủ đô.
Toàn ngành đặt ra các mục tiêu phấn đấu cụ thể: Giảm 0,1% số trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng so với năm trước; 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; duy trì chỉ tiêu 100% chất thải y tế nguy hại được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; trên 70% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; 45% dân số sử dụng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến và khám, chữa bệnh từ xa; 90% dân số được quản lý bằng hồ sơ sức khỏe điện tử ...
Để đạt được kết quả nói trên, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà quán triệt toàn ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị; mong muốn thủ trưởng các đơn vị tham mưu đề xuất cách làm hay, giải pháp mang tính đột phá để phát triển y tế Thủ đô, đáp ứng tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
TS.BS Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng nhất của công tác chuyển đổi số ngành Y tế là để phục vụ người dân được tốt hơn, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế một cách thuận lợi và hiệu quả nhất. Việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp các bệnh viện, các cơ sở y tế vận hành an toàn, hiệu quả và chất lượng hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.