(HNM) - Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã trải qua chặng đường hơn 7 năm với nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Điều đáng ghi nhận đầu tiên là các doanh nghiệp trong nước đã chủ động, tích cực hơn trong việc nâng cao chất lượng, đưa hàng hóa đến với người dân, đặc biệt là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Điều đáng ghi nhận thứ hai và đáng mừng hơn là thái độ của người tiêu dùng với sản phẩm nội địa đã có sự thay đổi rõ rệt. Người dân ngày càng tin, mua sắm và sử dụng nhiều đồ “made by Vietnam” hơn. Có được kết quả này, trước hết là chủ trương đúng đắn của Bộ Chính trị về tổ chức CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo ra sự thay đổi tư duy, hướng tiếp cận để đẩy mạnh phát triển sản xuất, tiêu dùng trong nước, đặc biệt là khi tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng cao, cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Tiếp đó là sự vào cuộc nghiêm túc, tích cực của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và người dân từ thành thị đến nông thôn. Niềm tin vào khả năng “chơi trên sân nhà” của doanh nghiệp trong nước đã được củng cố đáng kể.
Với khoảng 10 triệu dân sinh sống và hơn 202 nghìn doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, Hà Nội chiếm tới 30,8% tổng số doanh nghiệp cả nước nên giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện CVĐ. Thành phố và các cấp chính quyền đã chỉ đạo sát sao, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc đẩy mạnh thực hiện CVĐ. Các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, thay đổi công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã, giảm giá thành… Ban Chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cùng các đơn vị triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền với nội dung phong phú, góp phần thay đổi, xây dựng thói quen mua sắm của người tiêu dùng… Đặc biệt, các doanh nghiệp đã vào cuộc hết sức tích cực, nhiệt tình tham gia các hội chợ, chương trình đưa hàng Việt về với nông thôn, chương trình bình ổn giá không chỉ ở Hà Nội mà còn trên toàn quốc. Không chỉ nhắm tới người tiêu dùng ở đô thị, các doanh nghiệp đã tổ chức, tham gia nhiều hội chợ ở nông thôn, khu công nghiệp, giúp người dân dễ dàng tiếp cận hàng Việt với mức giá cạnh tranh. Theo Ban Chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỷ lệ hàng hóa nội địa sử dụng tại các công sở, cơ quan cũng tăng rõ rệt.
Kết quả đạt được rất đáng khích lệ, nhưng chưa thể thỏa mãn. Với hơn 90 triệu dân, Việt Nam là thị trường bán lẻ tiềm năng, nhưng những gì đã diễn ra thời gian qua cho thấy, các doanh nghiệp nước ngoài đang có ưu thế. Chuyện các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài ưu tiên cung cấp, phân phối sản phẩm của nước họ tại các cơ sở bán lẻ là điều dễ hiểu. Đó là chưa kể hàng lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp. Tham gia “sân chơi” quốc tế, với “luật chơi” quốc tế, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nguy cơ “sân nhà” biến thành “sân khách” sẽ càng cao. Do vậy, các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp càng phải chủ động hơn trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh, trước hết là đứng vững ở thị trường trong nước, sau đó là xuất khẩu. Bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần khẩn trương, tích cực thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TƯ Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Khi thực hiện tốt điều đó, hàng Việt mới khẳng định được chỗ đứng vững chắc trên thị trường và được người tiêu dùng thêm tin yêu, ủng hộ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.