Chiều 7-5, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải chủ trì Hội nghị trực tuyến quán triệt và tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ liên quan đến quy trình tạo lập thông tin, dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy.
Tại hội nghị, theo đại diện Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội), phạm vi thí điểm thực hiện ứng dụng cảnh báo cháy triển khai tới 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn; chia ra 2 giai đoạn triển khai theo lộ trình.
Cụ thể, giai đoạn 1 từ ngày 25-4 đến 30-6, thực hiện đối với cơ sở chung cư mini (nhà ở nhiều căn hộ), nhà trọ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ; giai đoạn 2 từ ngày 1-7 đến 30-9, triển khai đối với cơ sở thuộc diện quản lý phòng cháy, chữa cháy. Các giai đoạn tương ứng với mục tiêu hướng tới gồm: Xây dựng phương án phòng cháy; xây dựng phương án cảnh báo cháy và xây dựng được phương án thoát nạn, cứu nạn, cứu hộ.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải nhấn mạnh, để triển khai kế hoạch, các đơn vị và chủ tịch UBND các quận, huyện phải xác định đây là một trong những nhiệm vụ cấp bách, quan trọng; xác định đây là nhiệm vụ để đánh giá, xếp loại các đơn vị trong năm 2024. Đối với Văn phòng UBND thành phố, Sở Nội vụ phải đưa nội dung này vào đánh giá, xếp loại các đơn vị và người đứng đầu của các đơn vị.
Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục rà soát, phân công cụ thể “5 rõ, 1 xuyên suốt”: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm của từng đơn vị, từng cá nhân, rõ quy trình, tiến độ, rõ kết quả; “1 xuyên suốt” là trong đơn vị phân công nhiệm vụ xuyên suốt cho 1 người, đưa vào danh sách nhóm Zalo để theo dõi, thông tin, trao đổi với nhau; giảm thời gian họp hành. Hoàn thành việc tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cho UBND cấp xã trước ngày 10-5; đặc biệt là xác định định danh số nhà, làm sạch dữ liệu dân cư.
Phó Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ, hướng dẫn đơn vị viễn thông trong việc xác định cấp độ; phối hợp Công an thành phố trong vấn đề xây dựng phương án bảo đảm an ninh, an toàn cho toàn bộ thông tin, dữ liệu ứng dụng này; gắn xác thực và định danh số nhà, dữ liệu dân cư từ ngày 1-7 tới, sẽ thực hiện nghị định của Chính phủ bảo đảm theo đúng quy định.
Văn phòng UBND thành phố chủ trì, phối hợp Công an thành phố để thực hiện kiểm tra, đánh giá các biện pháp, giải pháp cần thiết để bảo đảm bảo mật, phục vụ việc nhập liệu và quản lý dữ liệu; rà soát lại toàn bộ các nội dung triển khai hạ tầng. Công an thành phố Hà Nội chủ trì, phối với Văn phòng UBND thành phố tiếp tục tham mưu chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, có các báo cáo sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, đặc biệt là những trường hợp nào làm tốt; chú trọng tới việc truyền thông, khen thưởng cho các đơn vị, cá nhân.
“Từ xây dựng ứng dụng này, chúng ta tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho thành phố các cơ chế, chính sách để phòng ngừa. Đồng thời, thường xuyên thông tin, tuyên truyền, cảnh báo đến người dân; nếu ý thức người dân tốt hơn sẽ giảm thiểu được các rủi ro”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.