Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực đưa nghị quyết vào cuộc sống

Tuấn Việt| 09/01/2023 07:18

(HNM) - Năm 2022, HĐND thành phố Hà Nội và các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tổ chức 136 kỳ họp quyết định các nhiệm vụ theo thẩm quyền; ban hành 889 nghị quyết quan trọng, kịp thời, có tác động sâu rộng đến công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Bước sang năm 2023, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, xem xét kỹ các vấn đề một cách khách quan, khoa học, HĐND thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục nỗ lực đưa nghị quyết vào cuộc sống…

Quang cảnh phiên giải trình về công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, bảo đảm vệ sinh môi trường tại khu vực bãi bồi ven sông Hồng thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (tháng 11-2022).

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà, để đưa nghị quyết đi vào đời sống, bên cạnh việc ban hành cơ chế, chính sách, thì HĐND các cấp của thành phố cần tăng cường giám sát chuyên đề, giám sát đột xuất những vấn đề dân sinh, vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị. Bản thân mỗi đại biểu HĐND cũng cần vận dụng kỹ năng, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri qua nhiều kênh để cập nhật thông tin, chắt lọc vấn đề nổi cộm báo cáo với tổ đại biểu HĐND nơi ứng cử để thực hiện giám sát, khảo sát, từ đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ.

“Năm 2023, ngoài thực hiện giám sát, khảo sát theo kế hoạch, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội sẽ chỉ đạo các ban HĐND thành phố, các tổ đại biểu ứng cử các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; những vấn đề dân sinh, bức xúc ở cơ sở kéo dài, tồn đọng. Quá trình khảo sát, giám sát nếu phát hiện chính sách còn bất cập thì đề xuất điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn”, đồng chí Phùng Thị Hồng Hà cho hay.

Nói về việc đưa nghị quyết của HĐND thành phố vào cuộc sống, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định cho biết, kinh nghiệm để giám sát tốt, HĐND các cấp cần đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12-9-2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các ban của HĐND, tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND.

“Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, năm 2023, Thường trực HĐND quận Hoàn Kiếm sẽ triển khai 6 đoàn giám sát và phiên giải trình; các ban HĐND quận thực hiện 4 đợt giám sát, khảo sát; yêu cầu các tổ đại biểu HĐND xây dựng kế hoạch, thành lập đoàn giám sát, khảo sát và tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề tại đơn vị ứng cử theo đúng chỉ tiêu”, đồng chí Vũ Đăng Định cho biết.

Đồng quan điểm, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hai Bà Trưng Trần Quyết Thắng cho rằng, để các nghị quyết đi vào đời sống, bên cạnh việc ban hành và triển khai kế hoạch hoạt động giám sát, khảo sát thì Thường trực HĐND các địa phương, nhất là cấp quận cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội khóa XIV về “Thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”. Trong đó, cần chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đầy đủ hội nghị đối thoại giữa chủ tịch UBND phường với nhân dân trên địa bàn để cung cấp và giải thích kịp thời cho nhân dân về chủ trương, chính sách, chế độ, quy trình, thủ tục quản lý, kiểm tra, giám sát; giải quyết những vấn đề bức xúc, kiến nghị của nhân dân.

Bên cạnh đó, Thường trực HĐND các quận chỉ đạo các ban HĐND, các tổ đại biểu xây dựng kế hoạch và thực hiện giám sát các hoạt động của UBND, chủ tịch UBND các phường trong việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật và việc thực hiện nghị quyết HĐND quận trong quá trình thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị.

Tại hội nghị triển khai các nhiệm vụ năm 2023 của HĐND các cấp thành phố Hà Nội diễn ra đầu tháng 1-2023, nhiều đại biểu HĐND quận, huyện, thị xã cho rằng, chức năng của HĐND quan trọng nhất là quyết định và giám sát. Hai chức năng này có mối quan hệ chặt chẽ, vì để có chính sách tốt, trúng, kịp thời thì phải giám sát hiệu quả để nhận định chính sách đã đi vào đời sống chưa; cần điều chỉnh, bổ sung sao cho phù hợp thực tiễn. Vì vậy, mỗi đại biểu cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của HĐND; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của HĐND các cấp; mở rộng các kênh tiếp nhận, đối thoại, trao đổi giữa HĐND với cử tri và các cơ quan, đơn vị.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực đưa nghị quyết vào cuộc sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.