(HNM) - Chưa khi nào kể từ khi bùng phát cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu năm 2008-2009, các nền kinh tế lớn trên thế giới lại đồng thời phát đi tín hiệu lạc quan như trong năm 2017.
Mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và nhiều tổ chức tài chính khác trên thế giới đồng loạt nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2017 lên 3,6%-3,7%, cao hơn nhiều so với con số 3,2% đạt được trong năm 2016. Từ đầu tàu kinh tế thế giới cho đến các nước phát triển và mới nổi, các hoạt động kinh tế đều được ghi nhận rất khả quan. Với kết quả 3 quý liên tiếp đạt tăng trưởng từ 3% trở lên và dự báo quý IV ở mức tương tự, quyết định của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất cơ bản 3 lần liên tiếp trong vòng một năm, cho thấy mức độ tự tin của nền kinh tế Mỹ. Tỷ lệ thất nghiệp 4,1% trong tháng 11-2017, mức thấp nhất trong 17 năm qua, càng chứng tỏ nền kinh tế đầu tàu này đang vận hành tốt.
Sau 2 năm vận hành Cộng đồng kinh tế ASEAN, nhờ hội nhập và công cuộc cải cách không ngừng, ASEAN đang trở thành một trong những khu vực phát triển năng động nhất với mức tăng trưởng bình quân toàn khối là 5,3% trong quý III-2017, cao hơn so với con số 5% của quý II. Việc Trung Quốc duy trì mức tăng trưởng 6,9% trong cả 3 quý năm 2017, vượt mục tiêu 6,5% mà chính phủ đặt ra, là yếu tố quyết định để IMF nâng mức dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này trong lần thứ 4 liên tiếp, lên 6,8% trong năm nay và 6,5% năm 2018.
Tại Châu Âu, những rủi ro về địa - chính trị suy giảm cùng với sự thoái trào của chủ nghĩa dân túy cực đoan trong các cuộc bầu cử gần đây đã khiến giới đầu tư tin tưởng hơn vào thị trường này. Mặc dù cuộc đàm phán đưa Anh ra khỏi Liên minh Châu Âu vẫn được xem là yếu tố chi phối hoạt động kinh tế chung, song quyết định của Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục và thông báo thu hẹp quy mô chương trình mua trái phiếu chính phủ xuống còn một nửa, 30 tỷ euro (35 tỷ USD) từ tháng 1-2018, cho thấy “Lục địa già” đã thoát khỏi tình trạng tăng trưởng yếu ớt.
Cùng với những yếu tố thuận lợi trong hoạt động kinh tế, thị trường chứng khoán toàn cầu cũng trải qua một năm đầy thu hoạch. Điển hình là thị trường chứng khoán Mỹ liên tục phá vỡ các kỷ lục, chỉ số Dow Jones lần đầu tiên trong lịch sử vượt đỉnh 24.000 điểm. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản lập kỷ lục tăng 16 ngày liên tiếp, lên mức cao nhất trong 21 năm, đạt 21.805,17 điểm. Giới phân tích nhận định, chắc chắn có nhiều yếu tố quyết định đà tăng trưởng chứng khoán, song không thể phủ nhận sự đồng bộ trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu là nhân tố quyết định cho sự thăng hoa này.
Trong báo cáo về triển vọng kinh tế của thế giới vừa công bố, Liên hợp quốc cho biết, kinh tế thế giới sẽ tiếp tục được duy trì trong các năm 2018 và 2019 ở mức 3,7-4%. Sự tăng trưởng mạnh của nền kinh tế thế giới sẽ tạo cơ hội cho các cường quốc tập trung chính sách vào việc giải quyết những vấn đề như biến đổi khí hậu, tình trạng bất bình đẳng và những trở ngại về thể chế đối với phát triển. Tuy nhiên, thế giới vẫn sẽ tiếp tục phải đối mặt với những nguy cơ từ sự thay đổi trong chính sách thương mại của các quốc gia, tình hình tài chính toàn cầu suy giảm đột ngột và sự gia tăng căng thẳng địa - chính trị, cùng với những thách thức dài hạn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.