(HNM) - Cách đây 75 năm, với những quyết định thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc ta đã làm nên Cách mạng Tháng Tám - sự kiện lịch sử vĩ đại nhất, vẻ vang nhất, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự chủ gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
1. 100 năm trước, khi tiếp cận luận cương của V.I.Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã đinh ninh “Đây là con đường giải phóng chúng ta” và khẳng định, chỉ có chủ nghĩa Lênin là chân chính nhất, cách mạng nhất. Đây là sự lựa chọn duy nhất đúng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam thoát khỏi thân phận vong quốc nô, góp phần tích cực vào sự nghiệp cách mạng thế giới đấu tranh cho quyền con người.
Trong những bài tham luận hoặc bài viết sau đó của mình (tại các hội nghị quốc tế, trên sách, báo), Nguyễn Ái Quốc luôn cổ vũ cho phong trào cộng sản quốc tế, ủng hộ tuyệt đối sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Tiếng nói của Người là tiếng nói của lương tri, đòi chấm dứt sự thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, cởi xiềng xích cho các dân tộc bị áp bức. Không chỉ phát hiện ra hướng đi cho lịch sử Việt Nam ở thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc còn trực tiếp chuẩn bị các điều kiện bảo đảm thắng lợi cho sự nghiệp cứu dân, cứu nước. Đó là đưa chủ nghĩa Mác - Lênin trở thành dòng chủ lưu trong đời sống chính trị ở Việt Nam, coi đây là ánh sáng thời đại. Đó còn là sự kết nối nhân tâm của những người yêu nước, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các lực lượng trung gian đi theo hoặc ngả về phía cách mạng. Khi điều kiện chín muồi, trực tiếp Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập, chủ trì thành công Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tránh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc thoát khỏi sự phân lập, cát cứ lực lượng lãnh đạo, là trung tâm cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sự đoàn kết quốc tế vô sản chân chính. Các văn kiện Đảng đầu tiên cùng với Lời kêu gọi của Nguyễn Ái Quốc nhân sự kiện thành lập Đảng là sự hoạch định chiến lược có tính lịch sử của một chính đảng vô sản được hội tụ, chắt lọc những giá trị tinh hoa nhất trong thời đại đấu tranh giải phóng dân tộc, mở ra tầm nhìn đi trước trăm năm so với thực tế lịch sử đương đại.
Trong tư duy của Nguyễn Ái Quốc, thể hiện mạch lạc sứ mệnh lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam không có lợi ích nào khác là lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh giành độc lập; Đảng là hiện thân cho khát vọng độc lập, hòa bình, tự do, nhờ vậy mới giác ngộ được quần chúng yêu nước tin tưởng, đi theo Đảng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
2. Việc tổ chức thành công Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941) đã chứng tỏ, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh có một khối óc tổ chức cách mạng hết sức nhạy cảm chính trị; biến điều tưởng chừng như không thể (sức mạnh vũ khí dường như không có) trở thành điều có thể và bất khả chiến bại (sức mạnh quần chúng được tập hợp, được giác ngộ). Mặt trận Việt Minh ra đời cùng với sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã tạo bước ngoặt lớn, trực tiếp chuẩn bị lực lượng cách mạng để chủ động đón thời cơ vàng lịch sử “ngàn năm có một”.
Với mục tiêu giải phóng dân tộc, lợi ích dân tộc là trên hết, Hồ Chí Minh đã giải thoát được mọi ách tắc của tâm lý cục bộ, nhờ đó mà mọi giai tầng trong xã hội đương thời có được cơ sở xã hội, cơ sở chính trị để xích lại gần nhau, cùng hướng theo ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, làm nên sức mạnh của “một bó đũa”. Nếu không có sự ra đời của Mặt trận Việt Minh, thì chắc chắn không thể có một tổ chức chính trị - xã hội nào ở Việt Nam đủ tư cách giác ngộ, lôi cuốn và khích lệ khát vọng của các giai tầng xã hội đứng lên đấu tranh vì quyền tự quyết dân tộc. Khi Mặt trận Việt Minh kêu gọi “phá kho thóc của Nhật” cứu đói cho đồng bào, sức mạnh vùng lên của quần chúng cách mạng đã cho Nhật - Pháp thấy rằng, không phải súng đạn, cường quyền, áp bức mà chính là tinh thần cách mạng mới là vũ khí vô địch. Ngoài ra, chính sách 10 điểm của Mặt trận Việt Minh trong thời gian tiền khởi nghĩa chính là luồng ánh sáng của thời đại mới, giúp người dân yêu nước hình dung, cảm nhận được một cuộc sống mới chưa từng có trên đất nước này, từ đó nhiệt huyết đi theo Đảng.
Đặc biệt, khi thời cơ đến gần, Hồ Chí Minh đã nêu quyết tâm “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn thì cũng phải giành cho được độc lập”. Quyết tâm ấy truyền cảm hứng tới Đảng và tới quần chúng cách mạng. Khi phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh, Hồ Chí Minh đã triệu tập Hội nghị Trung ương và Quốc dân Đại hội để thống nhất phát lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc. Bản Quân lệnh số 1 đã thúc giục quần chúng cách mạng nhất tề vùng lên, với những thứ vũ khí thô sơ nhất lúc ấy, nhưng đã khiến kẻ thù run sợ trước sức mạnh tinh thần của một dân tộc yêu hòa bình, quyết lấy sức mình giải phóng cho mình đã chiến thắng vũ khí hiện đại của kẻ xâm lăng.
3. Ngay khi Cách mạng Tháng Tám chưa hoàn toàn kết thúc, tất cả những kẻ thù mạnh nhất thời đại đều tham gia hòng bóp nát thành quả cách mạng của đồng bào ta. Những tưởng dân tộc ta sẽ bị đánh bại bởi lực lượng số đông và vũ khí hiện đại mà quân Tưởng (có Mỹ đứng sau) cùng với quân Pháp (dựa vào Anh) và sự cấu kết với quân xâm lược của các thế lực phản động người Việt để mưu đồ “Diệt Cộng, cầm Hồ”, tái thiết lập nền thống trị đối với Việt Nam và toàn cõi Đông Dương. Sự kiện Tuyên ngôn độc lập (ngày 2-9-1945) càng chứng tỏ thiên tài của Hồ Chí Minh và Đảng ta về chạy đua thời gian, chủ động chớp thời cơ lịch sử để tiến hành nghi thức tuyên bố với toàn thế giới về tính hợp hiến của một chế độ dân chủ do nhân dân định đoạt.
Đoạn mở đầu của Tuyên ngôn độc lập là sự viện dẫn tính tất yếu lịch sử về quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của con người; còn đoạn kết lại mở ra triển vọng tương lai mới cho một dân tộc đã vùng lên thì không bao giờ khom lưng làm tôi đòi cho kẻ xâm lược.
Chiến thắng Điện Biên Phủ và Đại thắng Mùa xuân năm 1975 là sự tiếp nối rạng ngời vinh quang dựa trên nền tảng của thắng lợi vĩ đại vào mùa thu năm 1945. Thành tựu của 35 năm đổi mới đất nước mà dân tộc ta có được cũng là một chặng đường riêng có của một Đảng biết quyết đoán chính trị, giữ được tính tự quyết dân tộc như Hồ Chí Minh đã từng dạy: “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Sự thống nhất tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền tự quyết dân tộc luôn được xuyên suốt trong Tuyên ngôn độc lập, trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và được kết tinh thành giá trị linh thiêng qua tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Hồ Chí Minh đã gieo mầm tương lai ngay trên đống tro tàn của chiến tranh. Người đã thức tỉnh lương tri của đồng bào mình và của cả nhân loại, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đáp số lịch sử mà Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đi tìm trong suốt cả cuộc đời hy sinh vì nước, vì dân, vì sự tiến bộ nhân loại.
…Tháng Tám mùa thu xanh thắm, lá cờ đỏ sao vàng cùng hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh ngẩng cao đầu tuyên bố “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập”; được tôn vinh trên biển người hô vang “Việt Nam độc lập” còn vang vọng. Đó là vốn linh khí cho dân tộc Việt Nam vững bước đi tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.