Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công đặt nền móng khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (2-9-1945), dựng lên mốc son chói lọi trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Thắng lợi vĩ đại ấy để lại nhiều bài học quý báu. Một trong những bài học đó là, phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo.
Tháng 9-1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Ở châu Âu, trên cơ sở những thắng lợi quan trọng ban đầu giành được, quân đội phát xít Đức nhanh chóng kéo vào chiếm đóng nước Pháp (6-1940). Lợi dụng tình thế đó, ở Viễn Đông, tháng 9-1940, quân Nhật tràn vào Đông Dương. Chính quyền thực dân Pháp thỏa hiệp, câu kết chặt chẽ với phát xít Nhật cùng nhau đàn áp phong trào cách mạng, triệt để thực thi chính sách cai trị hà khắc nhằm vơ vét nhân lực, vật lực phục vụ mục đích của chúng. Nhân dân Việt Nam chịu hai tầng áp bức bóc lột nặng nề tàn bạo Pháp và Nhật, rơi vào tình cảnh cực khổ, điêu đứng, cuộc sống lầm than. Từ cuối năm 1944 đến đầu năm 1945, nạn đói nghiêm trọng xảy ra tại miền Bắc Việt Nam đã khiến hơn 2 triệu người chết.
Để đáp ứng yêu cầu đấu tranh trong tình hình mới, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ sáu (tháng 11-1939), đặc biệt là Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tám (5-1941) chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng với những nội dung cơ bản: Một là, quyết định đưa vấn đề giải phóng dân tộc lên nhiệm vụ hàng đầu và cấp bách nhất, mọi vấn đề cách mạng khác (kể cả vấn đề ruộng đất) đều phải nhằm mục đích đó mà giải quyết. Hai là, thực hiện vấn đề dân tộc giải phóng trong phạm vi từng nước Đông Dương, mỗi nước sẽ thành lập một mặt trận dân tộc thống nhất riêng gồm các tổ chức quần chúng lấy tên là Hội Cứu quốc nhằm tập hợp mọi lực lượng yêu nước đấu tranh giành độc lập. Ba là, khẩn trương xúc tiến xây dựng căn cứ địa cách mạng, xây dựng lực lượng để chuẩn bị tiến hành khởi nghĩa vũ trang, coi đây là nhiệm vụ trung tâm của Đảng trong giai đoạn hiện tại.
Chấp hành đường lối của Đảng đề ra, ngày 19-5-1941, Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh) thành lập, chủ trương “liên hiệp hết thảy các tầng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị nào, giai cấp nào, đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp - Nhật giành quyền độc lập cho xứ sở”.
Sau khi thành lập, Mặt trận Việt Minh triển khai đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát triển cả về tổ chức và lực lượng, hình thành hệ thống từ trung ương đến cơ sở. Đến giữa năm 1945, Việt Minh đã có khoảng 5 triệu hội viên. Trên cơ sở lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang địa phương phát triển, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam thành lập. Nhờ quá trình chủ động, tích cực chuẩn bị lực lượng và xây dựng căn cứ địa, nên khi thời cơ khởi nghĩa chín muồi (8-1945), cách mạng nhanh chóng giành thắng lợi.
*
* *
Đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn cuối. Trong tình thế khó khăn, phát xít Nhật quyết định tiến hành cuộc đảo chính lật đổ Pháp để độc chiếm Đông Dương. Cuộc đảo chính diễn ra vào đêm 9-3-1945, quân Pháp chống cự yếu ớt rồi nhanh chóng đầu hàng. Triều đình nhà Nguyễn lập tức “trở cờ” chuyển sang làm tay sai cho Nhật.
Ngay khi Nhật đảo chính Pháp, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng, ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (12-3-1945), xác định rõ kẻ thù cụ thể trước mắt duy nhất của nhân dân Đông Dương lúc này là phát xít Nhật. Do đó, phải thay đổi khẩu hiệu “đánh đuổi Nhật - Pháp” bằng khẩu hiệu “đánh đuổi phát xít Nhật”, kiên quyết chống lại chính phủ bù nhìn thân Nhật.
Hội nghị nhận định những điều kiện khởi nghĩa chưa chín muồi, nhưng đang đi tới chín muồi nhanh chóng, từ đó quyết định phát động một cao trào “Kháng Nhật cứu nước” mạnh mẽ làm tiền đề cho tổng khởi nghĩa. Thực chất là phát động khởi nghĩa từng phần giành chính quyền từng địa phương tiến lên tổng khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn.
Đây là sự phát triển sáng tạo về phương pháp cách mạng trong điều kiện cụ thể của một nước thuộc địa. Chấp hành chỉ đạo của Đảng, từ giữa tháng 3-1945, phong trào đấu tranh vũ trang và các cuộc khởi nghĩa từng phần liên tiếp diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước, đẩy quân Nhật và chính quyền tay sai rơi vào khủng hoảng trầm trọng.
Đầu tháng 8-1945, Chiến tranh thế giới thứ hai đi đến những ngày cuối cùng. Ngày 14-8-1945, quân đội Nhật hoàng chấp nhận đầu hàng các nước đồng minh không điều kiện. Tin tức đầu hàng nhanh chóng lan đi khắp các mặt trận. Quân đội Nhật ở Đông Dương hầu như bị tê liệt, mất tinh thần chiến đấu, chính phủ bù nhìn tay sai hoang mang cực độ. Theo thỏa thuận giữa các nước đồng minh thắng trận, quân đội Tưởng Giới Thạch (Trung Hoa dân quốc) sẽ tiến vào miền Bắc Việt Nam, quân đội Anh - Pháp sẽ vào miền Nam Việt Nam (lấy Vĩ tuyến 16 phân chia) làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật, nhưng thực chất đều muốn thực hiện ý định tiêu diệt lực lượng cách mạng và Đảng Cộng sản Đông Dương, thành lập chính quyền tay sai phục vụ mưu đồ cai trị.
Trước sự chuyển biến mau lẹ của tình hình, Đảng triệu tập Hội nghị toàn quốc (họp từ ngày 13 đến ngày 15-8-1945) tại Tân Trào (Tuyên Quang), nhận định thời cơ đã đến, quyết định phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước trước khi quân đồng minh vào. Hội nghị quyết định thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc để kịp thời chỉ đạo thống nhất phong trào khởi nghĩa các địa phương. Tiếp theo Hội nghị toàn quốc của Đảng, Đại hội quốc dân cũng họp ở Tân Trào (ngày 16-8-1945). Đại hội nhất trí tán thành quyết định Tổng khởi nghĩa, bầu Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam (Chính phủ lâm thời) do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, thông qua một số chính sách quan trọng của Mặt trận Việt Minh.
Hưởng ứng lệnh Tổng khởi nghĩa, nhân dân cả nước với khí thế sục sôi nhất tề nổi dậy giành chính quyền. Ngày 19-8-1945, Tổng khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 23-8-1945, Thừa Thiên Huế giành được chính quyền. Ngày 25-8-1945, nhân dân Sài Gòn - Gia Định giành được chính quyền... Chỉ trong vòng hai tuần (từ ngày 14 đến ngày 28-8-1945), cuộc Tổng khởi nghĩa đã thành công rực rỡ trên phạm vi cả nước. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam, chính quyền cả nước thuộc về tay nhân dân.
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước hàng chục vạn đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Đây là mốc son chói lọi trong tiến trình đi lên của lịch sử nước ta.
Trên cơ sở thắng lợi vĩ đại vừa giành được, Đảng kịp thời đúc rút những bài học kinh nghiệm quý báu, trong đó có bài học về phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, với nội dung cụ thể là: Độc lập, tự chủ về đường lối cách mạng nhằm đáp ứng đúng yêu cầu, nhiệm vụ đấu tranh bức thiết đặt ra; chủ động, tích cực xây dựng lực lượng (cả lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang), xây dựng căn cứ địa làm chỗ dựa vững chắc cho cách mạng; kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị và khởi nghĩa từng phần ở nông thôn với đấu tranh chính trị và khởi nghĩa ở đô thị để khi có thời cơ phát động Tổng khởi nghĩa.
Gần 80 năm đã trôi qua, song bài học về phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong Cách mạng Tháng Tám 1945 vẫn còn nguyên giá trị. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đất nước ta đứng trước nhiều thời cơ thuận lợi nhưng cũng đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Điều đó đòi hỏi Đảng ta tiếp tục giữ vững bản lĩnh chính trị, nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong hoạch định đường lối; luôn kiên định với mục tiêu lý tưởng cách mạng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; đồng thời tham khảo tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm, cách làm của các nước để lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến những thành công mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.