Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những hình ảnh đầu tiên ở Tonga sau thảm họa núi lửa và sóng thần kinh hoàng

Theo Hải Vân/Báo Tin tức| 18/01/2022 17:19

Máy bay của New Zealand và hình ảnh vệ tinh của Liên hợp quốc đã làm nổi bật những thiệt hại nặng nề ở Tonga sau thảm họa núi lửa và sóng thần kinh hoàng mới đây.

Nhiều ngôi nhà và cây cối bị bao phủ bởi lớp tro bụi dày đặc ở Tonga. Ảnh: Getty

Theo kênh CNN, trong những hình ảnh đầu tiên ở Tonga sau thảm họa núi lửa, có thể thấy toàn bộ cộng đồng trên đảo đã bị bao phủ bởi lớp tro bụi dày đặc. Các chuyên gia nhận định, đây là vụ phun trào núi lửa lớn nhất thế giới trong hơn 30 năm.

Các bức ảnh trên không do lực lượng quốc phòng New Zealand công bố từ các hòn đảo Ha'apai ở trung tâm Tonga cho thấy, cây cối, nhà cửa và nhiều cánh đồng đã bị bao phủ bởi tro bụi do núi lửa dưới đáy biển Hunga Tonga-Hunga Ha'apai phun trào, tạo ra cơn sóng thần trên Thái Bình Dương.

Các hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy cảnh tượng tương tự ở Kolofo'ou, trên hòn đảo chính của Tonga. Một số tòa nhà dường như đã bị sập và các nhân viên cứu trợ đang lo ngại về tình trạng ô nhiễm nguồn nước và an ninh lương thực trong khu vực. Hệ thống thông tin liên lạc cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau thảm họa. Cáp biển nối các hòn đảo nhỏ ở Tonga với thế giới bên ngoài đã bị đứt hoàn toàn.

Hình ảnh vệ tinh trước và sau cho thấy các khu vực bị ảnh hưởng của Tonga. Ảnh: UNOSAT

Alexander Matheou, Giám đốc Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế cho biết, ngoài tro bụi, còn có “thiệt hại quy mô lớn ở bờ biển do hậu quả của sóng thần”.

Theo các quan chức từ một số quốc gia viện trợ, việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho đảo quốc nam Thái Bình Dương đã bị cản trở do tro bụi phủ kín đường băng của sân bay thủ đô.

Hình ảnh vệ tinh trước và sau cho thấy các khu vực bị ảnh hưởng của Tonga. Ảnh: UNOSA

Bộ trưởng Quốc phòng Peeni Henare cho biết, New Zealand sẽ triển khai 2 tàu Hải quân Hoàng gia tới quốc đảo Thái Bình Dương vào ngày 18-1. New Zealand cũng đã vận chuyển các vật tư viện trợ khác tới Tonga, đồng thời tăng thêm 339.000 USD hỗ trợ nhân đạo, nâng tổng số tiền tài trợ ban đầu lên 1 triệu USD.

“Nước là một trong những ưu tiên cao nhất đối với Tonga trong thời điểm này và tàu hải quân HMNZS Aotearoa có thể chở 250.000 lít nước và sản xuất 70.000 lít mỗi ngày thông qua một nhà máy khử muối”, ông nói.

Ảnh: UNOSA

Nhiều thiệt hại nghiêm trọng đã được ghi nhận trên khắp quốc đảo Tonga, nơi sinh sống của hơn 100.000 dân, phần lớn sống trên đảo chính Tongatapu. Theo Giám đốc điều hành Save the Children Fiji và Shairana Ali, ít nhất 100 ngôi nhà trên khắp quần đảo đã bị hư hại, 50 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn. Nhưng con số có thể sẽ tăng lên khi lực lượng cứu hộ đến xác nhận và khôi phục các đường dây liên lạc.

Cảng chính Nuku’alofa, Tonga.

Ít nhất 2 người, trong đó có một công dân Anh, đã thiệt mạng ở Tonga sau khi sóng thần ập vào các con đường, gây ngập lụt các cộng đồng dân cư và gây mất điện. Thi thể của người phụ nữ Anh Angela Glover được tìm thấy sau khi cô bị sóng thần cuốn trôi, anh trai của cô - Nick Eleini cho biết trong một tuyên bố hôm 18-1.

Hình ảnh vệ tinh trước và sau cho thấy các khu vực bị ảnh hưởng của Tonga. Ảnh: UNOSAT

Theo các chuyên gia, vụ phun trào núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai hôm 15-1 có thể là vụ phun trào núi lửa lớn nhất được ghi nhận trên thế giới kể từ năm 1991, sau vụ núi Pinatubo của Philippines.

Hình ảnh tro bụi bao phủ các ngôi nhà và công trình ở Tonga. 

Sóng thần ở Tonga đã được cảm nhận cách xa hàng nghìn hải lý ở Hawaii, Nhật Bản và ở Bờ Tây của Mỹ. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những hình ảnh đầu tiên ở Tonga sau thảm họa núi lửa và sóng thần kinh hoàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.