(HNM) - Vào những ngày cuối tháng 12 cách đây 45 năm, với ý chí, niềm tin sắt đá, bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo, quân và dân cả nước đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm và giành chiến thắng vang dội trong cuộc đối đầu với không quân của đế quốc Mỹ.
Hoa vẫn nở bên hồ Hữu Tiệp - Làng hoa Ngọc Hà - trong những ngày bom rơi, đạn nổ tháng 12-1972. Ảnh tư liệu |
Chiến thắng mang tên “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã đánh dấu một mốc son chói lọi, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân ta đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng đường không lớn nhất của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973 chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, góp phần quan trọng vào chiến thắng Mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Chiến thắng to lớn này là minh chứng sống động khẳng định vai trò lãnh đạo sáng suốt và to lớn của Trung ương Đảng, Chính phủ; sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ, hiệu quả của các lực lượng vũ trang trung ương, các đơn vị, địa phương, và Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, nhân dân Thủ đô trong chủ động, tích cực chuẩn bị chống địch tập kích đường không. Đây là một kỳ tích tiêu biểu cho tầm cao trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam cũng như sự phát huy truyền thống và hào khí Thăng Long - Hà Nội văn hiến, anh hùng trong thời đại Hồ Chí Minh lịch sử.
Nắm chắc tình hình, chủ động chuẩn bị
Kể từ khi bắt đầu mang máy bay ra miền Bắc thực hiện cuộc Chiến tranh phá hoại (tháng 8-1964), Hà Nội luôn là mục tiêu chủ yếu của không quân Mỹ. Chính vì thế, Trung ương Đảng, Bác Hồ đã luôn chỉ đạo sát sao công tác chống địch tập kích đường không. Ngày 29-12-1967, trong buổi làm việc với đồng chí Phùng Thế Tài, Tư lệnh Phòng không - Không quân, Bác Hồ đã nói lời tiên tri: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ chuẩn bị... Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Lời căn dặn của Bác cùng những chỉ đạo của Trung ương Đảng được Thành ủy Hà Nội nghiêm túc quán triệt, thấm nhuần thành quan điểm chỉ đạo: Tuyệt đối nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, chủ động, tích cực chuẩn bị thật tốt tinh thần, lực lượng, hậu cần để chiến đấu và phục vụ chiến đấu đánh thắng âm mưu tập kích đường không của địch.
Quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội trước hết được thể hiện rõ nét qua việc chủ động bám sát theo tình hình thực tế để ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo chống địch tập kích đường không. Ngay trong ngày đế quốc Mỹ mang máy bay tiến hành cuộc Chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2 (16-4-1972), Ban Thường vụ Thành ủy đã họp, ra thông báo cho quân và dân Thủ đô sẵn sàng chiến đấu và làm tốt công tác phòng không nhân dân, bảo đảm giao thông và khắc phục hậu quả khi địch đánh phá, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của. Ngày 27-4-1972, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết về công tác phòng không, sơ tán chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, yêu cầu Ủy ban hành chính, Hội đồng phòng không các cấp vận động, đôn đốc, đưa khoảng 30 vạn người sơ tán ra khỏi nội thành. Tiếp đó, trong các ngày 2-12 và ngày 19-12-1972, Ban Thường vụ Thành ủy họp quyết định chủ trương thực hiện sơ tán cấp tốc ngay người già, trẻ em, những người dân không trực tiếp chiến đấu và những cơ sở công nghiệp ra khỏi nội thành. Đồng thời, phải triển khai kế hoạch phòng tránh, đào hầm trú ẩn, bảo đảm sản xuất, cung ứng đủ điện nước và các nhu cầu thiết yếu khi bị địch đánh phá.
Tinh thần chủ động trong triển khai thực hiện của Thành ủy thấm sâu vào hai nhiệm vụ phục vụ chiến đấu và chiến đấu, lan tỏa tới các khu phố, cơ quan, xí nghiệp, trường học với những kết quả hết sức tích cực. Chỉ trong gần 8 tháng (từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 12-1972), Thành phố đã đưa được gần 50 vạn người dân và 1.200 cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện sơ tán ra khỏi nội thành; đồng thời duy trì tốt chế độ trực ban, trực chiến, nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu.
Hệ thống hầm trú ẩn, công sự chiến đấu và hào giao thông được xây dựng và phát triển mạnh trong các tuyến phố nội thành, với tổng số 45 ngàn kilômét hào giao thông, 5.600 hầm trú ẩn, hầm chiến đấu tập thể và trên 63 vạn hố cá nhân, đủ chỗ trú ẩn, trực tiếp phục vụ chiến đấu và chiến đấu cho 90 vạn người. Thành phố cũng triển khai nhiều biện pháp bảo đảm giao thông, duy trì mạng lưới thông tin liên lạc thông suốt.
Phương châm “nắm chắc tình hình, chủ động chuẩn bị” còn được thể hiện rất rõ nét trong triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác chuẩn bị chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu của quân và dân Thủ đô. Thành ủy, Ủy ban Hành chính thành phố đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo Bộ Tư lệnh Thủ đô và Hội đồng phòng không thành phố về xây dựng và tổ chức lực lượng chiến đấu, trọng tâm là tăng cường thêm lực lượng hỏa lực bắn máy bay địch, xây dựng thêm nhiều trận địa pháo, tên lửa phòng không.
Lực lượng trực tiếp bảo vệ Thủ đô có 4 trung đoàn không quân tiêm kích, 3 trung đoàn tên lửa, 6 trung đoàn pháo cao xạ, một số tàu của Hải quân có hỏa lực phòng không bố trí dọc sông Hồng. Dân quân tự vệ Thủ đô có 4 đại đội pháo cao xạ 100 ly, 92 trận địa súng máy cao xạ 14,5 ly, hơn 100 súng trường của dân quân tự vệ các nhà máy, hợp tác xã ở nội và ngoại thành sẵn sàng cơ động đánh địch đổ bộ đường không và truy lùng giặc lái máy bay Mỹ nhảy dù… Tất cả được đặt dưới sự tập trung chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của Thành ủy, tạo thành một thế trận phòng không nhân dân rộng khắp, vươn kín tầm cao không gian.
Sự chuẩn bị chiến đấu của Thủ đô Hà Nội được tiến hành khẩn trương, có hiệu quả; sự chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn và các tỉnh lân cận đã tạo thành điểm tựa vững chắc cho quân và dân Thủ đô Hà Nội bước vào trận đụng đầu lịch sử với tất cả ý chí, quyết tâm và bản lĩnh kiên cường, dũng cảm nhất.
Sau 12 ngày đêm (18 đến 30-12-1972) chiến đấu dũng cảm, kiên cường, quân dân Thủ đô Hà Nội, phối hợp chặt chẽ với TP Hải Phòng và một số tỉnh lân cận đã làm nên một trận “Điện Biên Phủ trên không” vĩ đại, đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không, với quy mô lớn nhất, tàn bạo nhất chưa từng có trong lịch sử chiến tranh của đế quốc Mỹ. Bắn rơi 81 máy bay hiện đại của Mỹ, trong đó có 34 máy bay B.52, 5 chiếc F.111 bị tiêu diệt, bắt sống 43 giặc lái, trong đó có 33 giặc lái B.52. Hòa trong chiến công chung đó, quân và dân Thủ đô đã góp phần xuất sắc nhất: Bắn rơi 30 máy bay Mỹ, trong đó có 23 chiếc B.52 và 2 chiếc máy bay F.111.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12-1972 được ghi nhận là chiến công chói lọi nhất và là đỉnh cao nhất của quân và dân Thủ đô cũng như của miền Bắc trong cuộc chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Bằng chiến thắng này, Thủ đô Hà Nội đã góp phần quyết định vào thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris ngày 27-1-1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Cả nước hướng về Hà Nội với niềm tự hào và những tình cảm tin yêu, ngưỡng mộ nhất!
Sáng mãi những bài học kinh nghiệm quý
Nhìn lại chặng đường 45 năm qua (1972-2017), từ kỳ tích ghi lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử dân tộc với chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, đến thời kỳ cả nước và Thủ đô thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Một là, để lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong thời chiến, với những khó khăn, thách thức, gian khổ, ác liệt, Thành ủy Hà Nội đã tập trung cao độ, thực sự chủ động, nhạy bén, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân luôn đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, phát hiện kịp thời âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù đối với Thủ đô Hà Nội. Từ đó, đề ra mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ và các chủ trương, giải pháp phù hợp để chủ động chuẩn bị chống địch tập kích đường không có hiệu quả cao.
Đảng bộ đã chú trọng xây dựng các chi, đảng bộ cơ sở thực sự phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, chăm lo giáo dục, rèn luyện, nâng cao nhận thức, thống nhất tư tưởng và hành động trong toàn Đảng bộ, chung sức, đồng lòng, nêu cao ý chí, bản lĩnh, quyết tâm, kiên quyết vượt qua mọi khó khăn, thử thách, để phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đây chính là động lực to lớn để phát huy cao độ tinh thần đoàn kết dân tộc, vai trò làm chủ của các tầng lớp nhân dân trong trong tham gia chuẩn bị chiến đấu và chiến đấu.
Hai là, phát huy tốt vai trò, vị thế, trách nhiệm và nội lực Thủ đô, chủ động bám sát sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị; phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành cả nước tạo nên sức mạnh tổng hợp của quân và dân Thủ đô, nêu cao tinh thần cách mạng và ý chí, quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược.
Là địa bàn chiến lược quan trọng, là mục tiêu đánh phá chủ yếu bằng không quân của đế quốc Mỹ, Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Trung ương; sự phối hợp chặt chẽ của các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là các địa phương lân cận với Thủ đô, như: Hà Tây, Hòa Bình, Hà Bắc, Vĩnh Phú, Hải Hưng và Nam Hà. Trong mối quan hệ chặt chẽ đó, đồng bào các dân tộc của tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) đã thực hiện tốt vai trò vừa phòng tuyến quan trọng, là áo giáp chở che, vừa là hậu phương vững mạnh cho quân dân Thủ đô chiến đấu và đùm bọc, giúp đỡ người dân sơ tán. Đó là nguồn sức mạnh và động lực tinh thần mạnh mẽ để khích lệ quân dân Hà Nội dũng cảm, kiên cường chiến đấu, đánh thắng đợt tập kích đường không của đế quốc Mỹ.
Ba là, phải đặc biệt chú trọng tập trung lãnh đạo thực hiện tốt công tác phối hợp giữa quân và dân; giữa các lực lượng vũ trang của Bộ Quốc phòng và của Thủ đô Hà Nội trên địa bàn, phát huy sức mạnh toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận phòng không nhân dân vững chắc để chủ động chuẩn bị chống địch tập kích đường không. Đây chính là yếu tố quan trọng và là điều kiện tiên quyết để giành thắng lợi.
Hà Nội một thành phố đông dân, có nhiều công trình, kho tàng, nhà máy, xí nghiệp quan trọng của Trung ương và thành phố. Là nơi tập trung các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và quân đội. Vì vậy, khi xảy ra chiến tranh phá hoại, Hà Nội sẽ là mục tiêu hàng đầu của cuộc tập kích đường không của địch. Do vậy, trong kế hoạch phòng thủ của thành phố, đi đôi với kế hoạch sử dụng bộ đội chủ lực đánh trả các phương tiện tập kích đường không của địch phải có kế hoạch phòng thủ dân sự bảo đảm tốt yêu cầu chiến đấu.
Trên địa bàn thành phố có nhiều lực lượng vũ trang thuộc khu vực phòng thủ thành phố (bộ đội chính quy, dân quân, tự vệ xã, phường, thị trấn; lực lượng tự vệ ở các cơ quan, xí nghiệp) và nhiều cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng. Các lực lượng này phải được bố trí hợp lý và phối hợp đồng bộ trong kế hoạch phòng thủ chung, phù hợp với tình hình thực tiễn Thủ đô, để tạo thành một thế trận phòng thủ vững chắc trong khu vực phòng thủ tổng thể của TP Hà Nội. Đồng thời, phải chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng công an nhân dân và các đơn vị đóng trên địa bàn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, đánh thắng kẻ thù trong mọi tình huống.
Bốn là, phải thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô nâng cao cảnh giác cách mạng, ý chí, quyết tâm chiến đấu bảo vệ vững chắc Thủ đô. Tạo được sự đồng thuận cao trong Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, gian khổ, ác liệt, đoàn kết, dũng cảm chiến đấu, đánh thắng cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ.
*
* *
45 năm đã trôi qua kể từ chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”… Trên mỗi tấc đất của Thủ đô văn hiến vẫn còn lưu dấu ấn hào hùng kỳ tích bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Những kinh nghiệm quý báu trong lãnh đạo chống lại cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc Thủ đô thân yêu năm xưa vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục tỏa sáng trong thành công của mỗi chặng đường xây dựng và phát triển Thủ đô.
Thành ủy Hà Nội đã và đang tiếp tục vận dụng những kinh nghiệm quý báu về bám sát thực tiễn, luôn chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Thủ đô. Công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô luôn gắn liền với xây dựng khu vực phòng thủ, thế trận phòng không - không quân bảo đảm chủ động trong mọi tình huống, bảo vệ vững chắc Thủ đô và đất nước. Không ngừng chủ động chăm lo các mặt công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động nắm chắc tình hình, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Coi trọng phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trên cơ sở mở rộng dân chủ, tạo sự đồng thuận thống nhất cao trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhất là trong nâng cao chất lượng cuộc sống các tầng lớp nhân dân, xây dựng nông thôn mới, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và tác động của biến đổi khí hậu...
Kỷ niệm 45 năm (1972-2017) ngày chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô nguyện tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp CNH, HĐH; xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ thành phố, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, xứng đáng với niềm tin yêu, mong đợi của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Đó chính là ý chí, quyết tâm chính trị và hành động cách mạng thiết thực, có ý nghĩa cao đẹp nhất của Đảng bộ Hà Nội để tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các thế hệ đi trước, của đồng bào, chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh, lập nên kỳ tích lịch sử trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc Thủ đô thân yêu của chúng ta.
Hà Nội, ngày 7-12-2017.
NGÔ THỊ THANH HẰNG
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.