(HNM) - Đã thành điệp khúc trở đi trở lại nhiều năm nay là hầu như tại các hội thảo, diễn đàn chính sách nào các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đều “than khó, kêu khổ” và vẫn là những vấn đề cố hữu như ít vốn, quy mô nhỏ bé, khả năng quản trị hạn chế, gặp nhiều khó khăn do chính sách. Đáng chú ý là hiện tượng “một cửa nhiều khóa” hoặc “trên trải thảm, dưới rải đinh”... Dù vậy, không thể phủ nhận sự năng động, đặc biệt là vai trò quan trọng của khu vực này với nền kinh tế (trong giải quyết việc làm, cung cấp sản phẩm, đóng góp nguồn thu cho ngân sách)...
Thực tế, những khó khăn có tính đặc thù của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng là vấn đề mà các doanh nghiệp quy mô tương tự tại các quốc gia khác phải đối mặt. Có hai điểm đáng quan tâm: Thứ nhất, về quản lý nhà nước (cơ chế, chính sách), hiện có nhiều “nút thắt”, “rào cản” cần được tháo gỡ, xóa bỏ. Thứ hai, về mặt quản trị, tự thân khối doanh nghiệp nhỏ và vừa có những nhược điểm cũng... rất đặc thù. Đấy là tư duy làm ăn manh mún, chụp giật, “đi một mình” thì nhanh (ngắn hạn) song không thể “đi xa” (đòi hỏi phải liên kết), “thích” phát triển dựa trên quan hệ... Không giảm thiểu được những tác động tiêu cực này, rất khó để khối doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững.
Đại hội XII của Đảng, trên cơ sở đúc kết các vấn đề lý luận và thực tiễn, đã chỉ rõ: Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Đồng thời, Nhà nước đóng vai trò định hướng, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh thúc đẩy sản xuất - kinh doanh. Cụ thể hóa tinh thần này, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp như các Nghị quyết 19/2016/NQ-CP về Những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết 35/2016/NQ-CP về Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020...
Tại Hà Nội, địa phương có tới 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tổng số doanh nghiệp, thành phố đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, bao gồm các giải pháp liên quan cơ chế, chính sách như đẩy mạnh cải cách hành chính, tài chính, tín dụng, đổi mới công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị, tăng cường khả năng tiếp cận đất đai... Tức là về mặt quản lý nhà nước, chính sách đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Nhưng những giải pháp này cần được triển khai quyết liệt hơn, tạo hiệu quả lớn hơn trên thực tế.
Điểm đáng chú ý nằm ở chính khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trước hết, chính các doanh nghiệp này phải phát huy hết lợi thế do đặc thù quy mô nhỏ nên đơn giản hơn về quản trị, dễ xoay xở hơn khi có sự thay đổi về thị trường, chính sách. Thứ hai, cũng chính các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải từ bỏ lối làm ăn chộp giật, manh mún, “tập quán” cạnh tranh không lành mạnh, nhất là chấm dứt lề thói tìm kiếm lợi nhuận dựa vào quan hệ với cơ quan công quyền và người giữ chức vụ. Đặc biệt, để “đi xa”, các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải chủ động liên kết nhằm tận dụng ưu thế của đối tác. Bên cạnh đó, cũng chính các doanh nghiệp này phải tự ý thức bản thân là đối tượng được (cơ quan quản lý nhà nước) phục vụ, từ đó dám “lên tiếng” khi gặp những rào cản vô lý.
Giải quyết tốt hai vấn đề quản lý (nhà nước) và quản trị (doanh nghiệp), chắc chắn các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa sẽ hoạt động hiệu quả. Và không có gì nghi ngờ nữa, với sự vận động tự thân một cách năng động, sáng tạo, chính khu vực doanh nghiệp này sẽ trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.