(HNM) - Nhà văn hóa, đặc biệt là nhà văn hóa thôn, bản và xã, phường, thị trấn gắn bó mật thiết với người dân, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần. Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, bên cạnh các chỉ tiêu khác thì việc xây dựng các thiết chế văn hóa, tổ chức hoạt động phù hợp với đặc thù địa phương, đáp ứng nhu cầu của người dân được quan tâm đặc biệt.
So với nhiều địa phương khác trong cả nước, Hà Nội có hệ thống thiết chế văn hóa khá đồng bộ, tốt hơn. Không chỉ ở nội thành, việc xây dựng, phát triển các thiết chế văn hóa ở ngoại thành cũng được quan tâm đầu tư gắn với xây dựng nông thôn mới. Với sự quan tâm, đầu tư đó, các thiết chế văn hóa ở Thủ đô đã thể hiện sự vượt trội về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, với nhiều hoạt động hiệu quả, sáng tạo, các thiết chế văn hóa đã góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú của nhân dân.
Thế nhưng, thẳng thắn nhìn nhận vấn đề thì còn tồn tại những hạn chế trong các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Cụ thể như ở nội thành, do điều kiện đặc thù, không ít phường thiếu diện tích để xây dựng nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống tinh thần của người dân, đặc biệt là người cao tuổi, các em thiếu nhi. Còn ở ngoại thành, có diện tích đất đai, được đầu tư xây dựng cơ sở khang trang, nhưng hệ thống thiết chế văn hóa gặp khó khăn trong tổ chức hoạt động hoặc hoạt động nhưng tẻ nhạt, thiếu sức hấp dẫn. Điều đó khiến các thiết chế văn hóa chỉ có "phần xác, thiếu phần hồn". Con số thống kê “34% số nhà văn hóa chỉ tổ chức hoạt động được 1 lần/tháng” mà Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội công bố là minh chứng rõ nét nhất về cái chưa được.
Như vậy, với khu vực nội thành, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần nghiên cứu, xem xét bố trí diện tích xây dựng thiết chế văn hóa phù hợp. Đặc biệt là cần tránh hiện tượng "chuyển đổi mục đích" nhà văn hóa, sân chơi công cộng, phòng sinh hoạt cộng đồng (tại chung cư) phục vụ mục đích thương mại, dịch vụ để kiếm lời.
Còn với các địa phương đã được xây dựng thiết chế văn hóa, nhất là ở ngoại thành, phải tổ chức các hoạt động sinh hoạt hữu ích phục vụ nhu cầu nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Muốn tránh khỏi cảnh “cửa đóng, then cài”, chỉ thỉnh thoảng mới sáng đèn và phát huy hết công năng và tiềm năng sẵn có, điều quan trọng đối với các thiết chế văn hóa là phải nhanh chóng khắc phục hạn chế hiện nay.
Trước khi nghĩ đến mục tiêu xa hơn, việc trước mắt, cần thực hiện ngay là xây dựng văn bản hướng dẫn hoạt động của các thiết chế văn hóa; tổ chức bồi dưỡng chuyên môn cho bộ phận quản lý hoạt động của nhà văn hóa, tạo cơ chế để bộ phận này phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, huy động nguồn kinh phí xã hội hóa nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động phục vụ nhân dân, tránh cảnh hoạt động cầm chừng, xây rồi để đó hoặc thậm chí trở thành điểm cho thuê mặt bằng sử dụng vào mục đích khác.
Không thể phủ nhận mặt tích cực trong công tác xây dựng, quản lý và hiệu quả tổ chức hoạt động của các thiết chế văn hóa trên địa bàn Thủ đô trong thời gian qua, nhưng cũng cần nhìn thẳng những điểm hạn chế cần khắc phục. Có như vậy, trong tương lai gần, các thiết chế văn hóa tại Hà Nội mới từng bước được hoàn thiện, thể hiện diện mạo tươi mới hơn, phục vụ tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.