Đời sống

Xây dựng đời sống văn hóa: Chú trọng nâng cao cả chất và lượng

Vũ Minh 08/01/2024 - 07:21

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai bền bỉ, sáng tạo trên địa bàn Hà Nội, tiếp tục góp phần xây dựng môi trường văn hóa, lối sống văn minh, lấy cái đẹp để đẩy lùi cái xấu. Tiếp tục thực hiện mục tiêu đưa văn hóa trở thành nguồn lực, sức mạnh nội sinh để phát triển toàn diện, năm 2024, thành phố Hà Nội chú trọng nâng cao cả chất và lượng phong trào ý nghĩa này.

trao-phuong-tien-ho-tro-pha.jpg
Trao phương tiện hỗ trợ phát triển sản xuất tới các hộ gia đình cận nghèo tại 4 xã Cụm Nam Đuống, huyện Gia Lâm.

Nhiều chuyển biến rõ nét

Chiếu theo 5 nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gồm: Đoàn kết giúp nhau giảm nghèo; thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật; xây dựng môi trường văn hóa; xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao; xây dựng tư tưởng chính trị lành mạnh, năm 2023, thành phố Hà Nội tiếp tục đạt những kết quả khả quan.

Nổi bật là nội dung đoàn kết giúp nhau giảm nghèo được tất cả các ngành, địa phương cùng cộng đồng dân cư chung tay thực hiện, tạo thành điểm tựa vững chắc cho người gặp khó vươn lên. Chẳng hạn, quận Tây Hồ có mô hình “Tổ tương trợ” với nhóm hộ khá giả giúp đỡ một hộ khó khăn. Quận Thanh Xuân nhân rộng mô hình “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế”. Huyện Hoài Đức phát triển mô hình “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài”… Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Đinh Hồng Phong đánh giá, tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau của cộng đồng dân cư trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa đã góp phần khơi thông nguồn lực tại chỗ để hỗ trợ giảm nghèo bền vững. Đến nay, khu vực nội thành cơ bản không còn hộ nghèo, khu vực ngoại thành có 6 huyện không còn hộ nghèo (Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Mê Linh, Thanh Trì).

Về thực hiện các mô hình văn hóa (gia đình, làng, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị…), Hà Nội tiếp tục ghi những dấu ấn đậm nét. Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, năm 2023, các phong trào đều hoàn thành và hoàn thành xuất sắc, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Điển hình, thành phố hiện có khoảng 88% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” (mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 86-88%).

Đáng chú ý, việc thực hiện nếp sống văn minh về cưới, tang, lễ hội có nhiều chuyển biến mới. Hiện nay, đa số đám cưới tổ chức gọn trong 1-1,5 ngày. Các gia đình, dòng họ tổ chức lễ tang trang nghiêm, tiết kiệm, không mở nhạc hiếu to, quá giờ quy định. Số ca hỏa táng đạt hơn 70%...

Tiếp tục đi vào thực chất

Những kết quả đạt được của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” góp phần làm cho môi trường xã hội lành mạnh, định hình lối sống văn hóa, nếp sống văn minh từ gia đình, cộng đồng. Tuy nhiên, ở một số nơi, việc triển khai một số nội dung của phong trào còn nặng tính hình thức. Quá trình xây dựng, duy trì các mô hình văn hóa vẫn tập trung nhiều vào yếu tố “lượng”, chưa thực sự chú trọng đến yếu tố “chất”, khiến các danh hiệu bị đại trà.

Thực tế cần quan tâm là một số địa phương còn thiếu nguồn lực đầu tư, vận hành hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở hoặc không có địa điểm để xây dựng, nên chưa đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt đa dạng của dân cư. Trong khi đó, đây là tiêu chí quan trọng để bình xét các danh hiệu văn hóa theo quy định mới.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Ba Đình Lê Thị Khanh cho biết, theo định hướng của thành phố, năm 2024, các địa phương triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” lồng ghép với cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Để đạt chuẩn đô thị văn minh, các phường phải có ít nhất 90% tổ dân phố có điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao hoạt động thường xuyên. Tiêu chí này khó khả thi, vì nhiều quận nội thành, trong đó có quận Ba Đình hiện không còn quỹ đất để xây dựng. Hệ thống nhà sinh hoạt cộng đồng hiện có phần lớn đều đã xuống cấp hoặc không đáp ứng về diện tích. Với các huyện ngoại thành, đến cuối năm 2023, qua rà soát, các cơ quan chức năng ghi nhận 40 thôn chưa có nhà văn hóa...

Tiếp tục đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển song hành cả về lượng và chất, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho hay, năm 2024, các bên tập trung hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng hệ thống thiết chế sau đầu tư. Cùng với đó, các địa phương khu vực đô thị ưu tiên thực hiện tiêu chí về văn hóa theo mô hình đô thị văn minh; các địa phương vùng nông thôn quan tâm đến các tiêu chí văn hóa trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới. Việc bình xét các danh hiệu văn hóa sẽ bám sát những quy định mới, gồm nhiều tiêu chí chặt chẽ hơn.

Ngoài những giải pháp nêu trên, tại Hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thành phố Hà Nội mới diễn ra, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà yêu cầu mỗi quận, huyện, thị xã xây dựng hai mô hình mới về văn hóa trong năm 2024, lựa chọn các vấn đề khó, còn tồn tại để thí điểm giải quyết. Sau đó, Ban Chỉ đạo thành phố sẽ khảo sát, đánh giá để nhân rộng những mô hình phù hợp, hiệu quả. Ngoài ra, thành phố sẽ thí điểm mô hình văn hóa trong trường học, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Tất cả cùng nỗ lực để nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng đời sống văn hóa: Chú trọng nâng cao cả chất và lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.