(HNMO) – Ngày 8-5, Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ) phối hợp với Viện KAS (Konrad Adenauer Stiftung – Cộng hòa Liên bang Đức) tổ chức hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nêu rõ: Hiến pháp năm 2013 đã quy định các nguyên tắc về phân định về thẩm quyền, phân công, phân cấp giữa trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương với nhau. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã đưa ra 6 nguyên tắc về phân định thẩm quyền, trong đó có nguyên tắc vừa bảo đảm tính thống nhất của trung ương, vừa bảo đảm tính tự quản, tự chịu trách nhiệm của cấp chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, trong thực tiễn hiện nay, việc phân định thẩm quyền còn đặt ra nhiều vấn đề cần được giải quyết. Các khái niệm về phân công, phân cấp, phân quyền, ủy quyền còn chưa rõ ràng...
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, thực tế hiện nay, chúng ta muốn phân cấp mạnh mẽ cho địa phương nhưng chưa chú ý tới khả năng, năng lực và điều kiện của các địa phương khi được phân cấp. Đặc biệt, vẫn có tình trạng chuyển lên cho cấp trên quyết định; có nhiều việc chính quyền địa phương cấp dưới có thể giải quyết được nhưng lại không phân cấp mà giữ lại để cấp trên giải quyết...
Chính vì vậy, việc tổ chức hội thảo "Phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương của Việt Nam hiện nay" là hoạt động rất có ích để sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Tại hai phiên của hội thảo (phiên thứ nhất: Phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương: Lý luận và thực tiễn; phiên thứ hai: Phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương: Thực trạng và đề xuất), các chuyên gia, đại biểu, nhà nghiên cứu đã tập trung thảo luận, làm rõ nhiều vấn đề.
Nhiều ý kiến cho rằng, tại Việt Nam, phân quyền đã được đề ra nhưng vừa nguyên tắc lại vừa chung chung. Bên cạnh đó, cơ chế kiểm soát quyền lực trung ương – địa phương chưa được quy định tương thích với ý tưởng phân quyền.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, để phân cấp cho chính quyền địa phương tốt hơn thì cần phân định rõ các đơn vị hành chính tự nhiên và nhân tạo, từ đó có cơ cấu tổ chức cấp chính quyền phù hợp. Và khi đã xác định các địa phương có thể thực thi các quyền tự chủ, cần quy định rõ các thẩm quyền của địa phương đó.
Nêu ra 7 điểm về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở tỉnh và chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc trung ương tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, GS.TS Nguyễn Đăng Dung (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, mặc dù có phân biệt rõ ràng chương quy định về chính quyền địa phương thành thị khác với vùng nông thôn nhưng về cơ bản các nhiệm vụ, quyền hạn vẫn là giống nhau. Luật này cũng thể hiện rất nhiều quy định vừa mang tính tự quản, vừa mang tính trực thuộc, tức là vừa tự quản, vừa không tự quản.
Đồng quan điểm, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu dẫn chứng: "Mặc dù đã có Luật Thủ đô nhưng vừa qua tôi dự hội thảo lấy ý kiến vào dự thảo Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội thì nội dung đặt ra vẫn là trao thêm cho Thủ đô các quyền tự quyết định". Nguyên Thứ trưởng Văn Tất Thu cho rằng, không có mô hình tự quản chung trên thế giới, song cần chỉ ra bản chất của chính quyền tự quản đó là chính quyền của người dân. Chính quyền tự quản chính là mô hình mà chúng ta đang theo đuổi.
Tại hội thảo, đại diện một số tỉnh, thành phố cũng nêu thực trạng việc phân cấp quản lý nhà nước, việc phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền tại địa phương, đồng thời đề xuất đẩy mạnh quyền tự chủ của các cấp chính quyền địa phương cho phù hợp với yêu cầu phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.