(HNM) - Việc lựa chọn chính xác những nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá chiến lược có ý nghĩa rất quan trọng trong định hướng chủ trương, đường lối xây dựng và phát triển đất nước giai đoạn tới. Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm được nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thiết nghĩ, cần nhấn mạnh hơn nữa trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Có bước phát triển mới rất tích cực
Những nhiệm vụ trọng tâm được nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị là sự kế thừa và có bước phát triển mới rất tích cực so với 6 nhiệm vụ trọng tâm được nêu trong Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng cách đây 5 năm, tập trung ở 4 điểm sau đây.
Thứ nhất, bên cạnh việc tiếp tục xác định nhiệm vụ trọng tâm số 1 là đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, điểm mới là dự thảo Báo cáo chính trị xác định “tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”...”. Trong nhiệm kỳ khóa XII, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là vai trò của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, chúng ta đã thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đạt nhiều kết quả tích cực. Khi sang nhiệm kỳ mới, dư luận băn khoăn, liệu “lò” có “cháy” tiếp hay không? Điểm mới nêu trên trong dự thảo Báo cáo chính trị chính là câu trả lời cho những băn khoăn này, rằng cuộc chiến chống “giặc nội xâm” sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.
Thứ hai, dự thảo Báo cáo chính trị đã mang đậm dấu ấn đổi mới sáng tạo khi đưa vào nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ mới là đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số.
Thứ ba, dự thảo Báo cáo chính trị đã nêu điểm rất mới trong phần nhiệm vụ trọng tâm là khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Tính từ “hạnh phúc” còn lặp lại thêm một lần nữa ở nhiệm vụ trọng tâm thứ tư là: “... thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân”. Điều này tiếp tục làm rõ quan điểm: Mọi chủ trương, đường lối của Đảng là nhằm đem lại hạnh phúc cho nhân dân, sự phồn vinh của dân tộc. Đây cũng chính là thực hiện lời dạy của Bác Hồ lúc sinh thời.
Thứ tư, một điểm rất đáng lưu tâm nữa trong 6 nhiệm vụ trọng tâm nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị là nhấn mạnh yêu cầu: “Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu”. Đây là nội dung hoàn toàn mới so với khóa trước. Chúng ta vừa chứng kiến đợt lũ lụt kỷ lục gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản ở khu vực miền Trung, là hệ quả của yếu kém trong công tác bảo vệ môi trường và tác động của biến đổi khí hậu, nên sự lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm của Trung ương có thể nói không những thể hiện tư duy đổi mới, mà còn rất đúng và trúng.
Làm sâu sắc thêm trách nhiệm nêu gương
Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, nội dung 6 nhiệm vụ trọng tâm còn có thể được hoàn thiện tốt hơn nữa.
Như chúng ta đã biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 08-QĐi/TƯ ngày 25-10-2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Đây là điểm nhấn của nhiệm kỳ, vì trước đó, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo liên quan đến trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên mới do Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư ban hành. Việc Ban Chấp hành Trung ương ban hành quy định về trách nhiệm nêu gương cho thấy tầm quan trọng của vấn đề này trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Việc thực hiện Quy định số 08-QĐi/TƯ là giải pháp có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cũng chính là giải pháp xây dựng Đảng về đạo đức tiếp tục được nhấn mạnh trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội lần này.
Tuy nhiên, nội dung 6 nhiệm vụ trọng tâm đề cập chưa thật rõ về trách nhiệm nêu gương, chỉ thông qua từ “gương mẫu” nêu trong nhiệm vụ trọng tâm thứ năm; không nêu trực tiếp tại nhiệm vụ trọng tâm số một về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Do đó, tôi tha thiết đề nghị Tiểu ban Văn kiện xem xét, bổ sung nhấn mạnh nội dung này vào nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên trong 6 nhiệm vụ trọng tâm nêu tại dự thảo Báo cáo chính trị.
Ngoài ra, theo tôi có thể điều chỉnh vị trí một số nhiệm vụ cho phù hợp với mức độ, tầm quan trọng của các lĩnh vực. Chẳng hạn, nên chuyển nhiệm vụ thứ ba thành nhiệm vụ thứ hai; nhiệm vụ thứ năm thành nhiệm vụ thứ ba.
Ngoài 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược về: Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội… nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị là rất chính xác. Điều quan trọng là từ đây xây dựng chương trình hành động khoa học, tính toán các nguồn lực và điều kiện phù hợp với tình hình đất nước cũng như bối cảnh quốc tế để đạt được mục tiêu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.