Ngày 23-10, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) phối hợp với Ủy ban Xã hội của Quốc hội và Hội Dược học Việt Nam tổ chức “Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng nêu rõ: Luật Dược được Quốc hội khóa XIII thông qua năm 2016 đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về dược tại Việt Nam. Trải qua 8 năm thi hành, Luật cơ bản phù hợp với sự phát triển của ngành dược trong xu thế hội nhập quốc tế và đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển ngành dược nước ta.
Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về dược đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Đó là: Một số quy định liên quan về đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc chưa phù hợp chủ trương cải cách hành chính; Một số quy định về quản lý chất lượng thuốc chưa phù hợp chủ trương phân cấp quản lý; Một số chính sách phát triển công nghiệp dược chưa tạo được bước đột phá cho công nghiệp dược Việt Nam trong tình hình mới; Một số quy định về quản lý giá thuốc chưa phù hợp thực tiễn cũng như pháp luật về giá mới được ban hành; Một số quy định về kinh doanh, loại hình kinh doanh dược cần điều chỉnh để đáp ứng sự phát triển và xu thế hội nhập; Một số quy định liên quan đến thông tin, quảng cáo thuốc chưa phù hợp với chủ trương cải cách hành chính; Một số quy định về đăng ký, sản xuất, xuất, nhập khẩu và cung ứng thuốc không phù hợp hoặc chưa được quy định để thực hiện trong trường hợp khẩn cấp đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh, an ninh, quốc phòng.
Để đáp ứng nhu cầu cấp thiết và phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội thì việc xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược là cần thiết.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến về các nội dung: Việc cung ứng đủ, kịp thời thuốc có chất lượng cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của người dân; cung ứng đủ, kịp thời thuốc đáp ứng yêu cầu an ninh, quốc phòng, khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống dịch bệnh; nâng cao hiệu quả quản lý xuất, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc; phát triển công nghiệp dược; phát triển thuốc, nguyên liệu thuốc, dược liệu từ nguồn dược liệu sẵn có trong nước; về hệ thống kinh doanh, phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc; về tính khả thi của Luật.
Phát biểu tại hội thảo, TS Phạm Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, hiện nay ở nước ta, người dân vào cửa hàng thuốc có thể mua được bất kỳ loại thuốc chữa bệnh nào theo nhu cầu nếu cơ sở kinh doanh thuốc đó có. Để bảo đảm sức khỏe người dân và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông đề nghị bổ sung nội dung trong Dự thảo Luật về việc bán thuốc tại các cơ sở kinh doanh thuốc cho người tiêu dùng với 2 nhóm: Nhóm có đơn thuốc được bác sỹ kê tại cơ sở khám, chữa bệnh và nhóm không cần đơn thuốc và quy định rõ loại thuốc nào cần bán cho khách hàng phải kèm theo đơn thuốc được bác sỹ khám kê và loại thuốc nào khách hàng mua mà không cần phải có đơn thuốc được bác sỹ kê.
PGS. TS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp Dược học, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị trong dự thảo Luật Dược cần có một chương riêng về “Cơ quan quản lý dược của Việt Nam”, trong đó quy định về: Tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
“Trong bối cảnh hội nhập, cần nghiên cứu mô hình Cơ quan quản lý Thực phẩm - Dược phẩm (Food and Drug Administration: FDA) rất phổ biến trên thế giới: US-FDA (Hoa Kỳ), K-FDA (Hàn Quốc), C-FDA (Trung Quốc), FDA Lào, Cambodia, Thái Lan, Myanmar… Thực trạng quản lý dược phẩm, vắc xin, sinh phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc y học cổ truyền, thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang phân tán ở nhiều Vụ, Cục ở Bộ Y tế, không nhất quán về biện pháp quản lý, chồng chéo và tạo ra nhiều kẽ hở. Ví dụ: Thuốc y học cổ truyền, đông dược, thực phẩm chức năng, thuốc thảo dược đăng ký ở Cục Quản lý Dược khó thì chuyển sang Cục Y dược học cổ truyền, đăng ký ở Cục Y dược học cổ truyền khó thì chuyển sang Cục An toàn thực phẩm để đăng ký là thực phẩm chức năng và chỉ trong vài năm Việt Nam có hàng chục nghìn thực phẩm chức năng lưu hành trên thị trường” - ông Lê Văn Truyền chia sẻ.
Kết thúc hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng hoan nghênh các đề xuất, kiến nghị của các đại biểu và cho biết Ban Thư ký sẽ tổng hợp, báo cáo để gửi đến Quốc hội nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo Luật Dược.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.