Giáo dục

Dự thảo Luật Nhà giáo: Tiếp tục lắng nghe góp ý để bảo đảm tính khả thi, đồng thuận

Thống Nhất 12/10/2024 - 17:53

Dự thảo lần thứ 5 Luật Nhà giáo được trình tại phiên họp lần này đã được tiếp thu, chỉnh sửa một số nội dung nhằm bảo đảm tính khả thi, giải tỏa nhiều băn khoăn của dư luận xã hội.

dai-thinh-1.jpg
Dự thảo Luật Nhà giáo đang được hoàn thiện với nhiều chính sách tác động tích cực
đến đội ngũ nhà giáo cả nước. Ảnh: Thống Nhất

Dự án Luật Nhà giáo vừa được đưa ra lấy ý kiến tại phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội và cả những người trong ngành Giáo dục bởi nhiều chính sách mới tác động tới đội ngũ nhà giáo với kỳ vọng nâng vị thế người thầy.

Đáng chú ý, dự thảo lần thứ 5 Luật Nhà giáo được trình tại phiên họp lần này đã được tiếp thu, chỉnh sửa một số nội dung nhằm bảo đảm tính khả thi, giải tỏa nhiều băn khoăn của dư luận xã hội.

Bỏ quy định về việc nhà giáo phải có chứng chỉ hành nghề

Theo dự thảo lần 5, được hoàn thiện ngày 1-10-2024, Luật Nhà giáo gồm 9 chương với 45 điều, bao gồm nhiều nội dung, như: Quyền, nghĩa vụ của nhà giáo; chức danh, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; chính sách tiền lương, đãi ngộ với nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; khen thưởng và xử lý vi phạm…

Điểm đáng chú ý tại dự thảo Luật Nhà giáo lần này là không còn quy định về chứng chỉ hành nghề nhà giáo. Đây là nội dung được Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiều lần bảo lưu, phản biện trước nhiều băn khoăn, phản ứng của dư luận xã hội và cả những người trong ngành.

Tại dự thảo công bố lần đầu vào tháng 5-2024, nội dung về chứng chỉ hành nghề nhà giáo được quy định tại các điều 15, 16 và 17. Theo đó, chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo có giá trị sử dụng trong toàn quốc và quốc gia khác theo chương trình hợp tác quốc tế với Việt Nam. Chứng chỉ này bị thu hồi nếu nhà giáo có kết quả đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tục; vi phạm kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc hoặc sa thải… Nội dung này nhận nhiều phản ứng từ dư luận, trong đó có cả các nhà giáo với băn khoăn, đây có thể là một dạng “giấy phép con”, làm phát sinh bất cập và thêm khó khăn cho nhà giáo…

Lý giải về việc này, đại diện ban soạn thảo, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, đây là nội dung mới, cần tiếp tục xem xét, nghiên cứu, tổ chức thí điểm nên sẽ không đưa vào dự thảo luật ở thời điểm này.

Sau nhiều lần điều chỉnh, dự thảo Luật Nhà giáo vẫn bám sát nội dung 5 chính sách đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua, đồng thời làm rõ thêm các nội dung: Nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập là viên chức, thực hiện các quy định của Luật viên chức (về tuyển dụng, sử dụng, quản lý, hệ thống thang bảng lương…) và chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, các quy định đặc thù đối với nhà giáo. Nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập là người lao động thực hiện quy định theo Luật Lao động và các quy định đặc thù với nhà giáo.

Ở một số nội dung, dự thảo luật tăng tối đa các quy định không phân biệt giữa nhà giáo công lập và ngoài công lập; tạo bình đẳng về cơ hội phát triển giữa nhà giáo công lập và ngoài công lập. Đây là lần đầu tiên vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập với tư cách nhà giáo chứ không chỉ là người lao động theo cơ chế của hợp đồng lao động.

Miễn học phí cho con nhà giáo, nên hay không?

Một trong những nội dung đang thu hút nhiều ý kiến từ dư luận xã hội tại dự thảo lần này là đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, cho rằng đây là một trong những giải pháp thiết thực, thêm động lực để nhà giáo yên tâm cống hiến, hạn chế tình trạng bỏ nghề như đã từng xảy ra tại nhiều địa phương, thì cũng có không ít người phản đối với lý do, điều này tạo ra sự phân biệt giữa các ngành nghề. Nhiều nhà giáo khi đề cập đến nội dung này cũng bày tỏ băn khoăn và có đề xuất, trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp, nên ưu tiên nhiều hơn cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh diện chính sách, các em ở miền núi, vùng sâu, hải đảo…

Đề cập đến nội dung này, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, ban soạn thảo có căn cứ vào nguyện vọng chung của nhà giáo về việc có chính sách ưu tiên cho con nhà giáo, cụ thể là miễn học phí các cấp. Quan điểm của ban soạn thảo khi đưa nội dung này vào dự thảo luật là thể hiện sự tôn vinh, ghi nhận sự cống hiến của nhà giáo, góp phần khích lệ nhà giáo yên tâm, gắn bó với nghề.

Trong thực tế, ở một số ngành đặc thù khác cũng có các chính sách ưu tiên. Ví dụ như chính sách mua bảo hiểm, hay khám chữa bệnh cho thân nhân của người làm việc trong lực lượng vũ trang. Nghề giáo cũng là một nghề đặc thù để đề xuất những ưu tiên, ưu đãi đối với thân nhân của họ.

Cũng theo ông Vũ Minh Đức, ban soạn thảo đang tiếp tục lắng nghe ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến các bộ, ngành, ý kiến của người dân và của chính các nhà giáo về việc này. Về nguyên tắc, chỉ những nội dung nhận được sự đồng thuận cao, ban soạn thảo mới đưa vào dự thảo luật cuối cùng để trình Quốc hội. Ban soạn thảo cũng tiếp tục cân nhắc đến những nội dung đề xuất có những điều kiện đi kèm, cụ thể là nguồn ngân sách để đáp ứng nhằm bảo đảm cân đối hài hòa với các lĩnh vực, ngành nghề khác.

Dự kiến, dự thảo luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 tới đây. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tổng hợp các ý kiến, rà soát kỹ lưỡng, đánh giá tác động các quy định nhằm bảo đảm tính khả thi, có sự tương quan với các ngành nghề và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật Nhà giáo: Tiếp tục lắng nghe góp ý để bảo đảm tính khả thi, đồng thuận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.