Chính trị

Góp ý vào một số dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tám

Mai Hữu 11/10/2024 13:21

Sáng 11-10, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phối hợp cùng Thường trực HĐND thành phố tổ chức hội nghị góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Phạm Thị Thanh Mai và Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên chủ trì hội nghị.

dbqh1.jpg
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Mai Hữu

Đánh giá kỹ việc phân quyền quyết định đầu tư công

Đóng góp ý kiến tại hội nghị, đa số đại biểu đánh giá dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã kế thừa ưu điểm của Luật Đầu tư công năm 2019; trong đó đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; cắt, giảm, đơn giản hóa trình tự, thủ tục...

Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Văn Hùng, giảng viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, khái niệm vốn đầu tư công trong dự thảo có điểm chưa thỏa đáng, khi quan niệm "vốn đầu tư công bao gồm cả vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật".

Theo ông Phạm Văn Hùng, đầu tư công có thể bao gồm cả đầu tư của đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính toàn diện và hoạt động theo cơ chế thị trường. Đồng thời, quy định này cũng không tương thích với quy định về nợ công hiện hành, không bao gồm nợ của doanh nghiệp Nhà nước hay đơn vị sự nghiệp công lập tự vay, tự trả.

danghuydong.jpg
Đại biểu tham gia góp ý Luật tại hội nghị. Ảnh: Mai Hữu

Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển Đặng Huy Đông cho biết, cần đánh giá tác động khi tăng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia từ 10.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng, năng lực thực hiện của các địa phương; tránh việc phân cấp vượt quá khả năng thực hiện.

Ông Đặng Huy Đông cũng thống nhất với đề xuất cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; tuy nhiên, cần quy định bảo đảm việc giải phóng mặt bằng gắn với đầu tư hoàn thành dự án, không để hoang, lãng phí đất đai.

Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội Đàm Văn Huân cho rằng, thực tế dự án có quy mô lên đến 10.000 tỷ đồng ngay ở Hà Nội là rất ít, các địa phương khác hầu như không có. Việc dự thảo Luật quy định phân cấp cho Chủ tịch UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án là “chuyển từ quyết định của một tập thể 95 đại biểu HĐND sang cho một cá nhân quyết định”, do đó đây là vấn đề cần đánh giá kỹ.

Hoạt động giám sát cần sát yêu cầu của đời sống

dbqh2.jpg
Đại biểu Quốc hội chuyên trách Nguyễn Tuấn Thịnh điều hành thảo luận. Ảnh: Mai Hữu

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hà Nội cho rằng, dự thảo đã thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng, Nhà nước về đổi mới, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của HĐND các cấp.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, dự thảo Luật cũng nêu tiêu chí chọn vấn đề (bức xúc, tham nhũng, điều hành quản lý nhà nước…) rất hợp lý nhưng vấn đề trước hết phải gắn với hoạt động lập pháp, giám sát ban hành nghị quyết. Cần quy định giám sát những vấn đề có dấu hiệu vi phạm quy định của Hiến pháp, Luật, Nghị quyết, như vậy sẽ rõ ràng hơn, nhất quán hơn.

Đặt vấn đề giám sát giữa Quốc hội và HĐND có gì khác nhau, cho rằng theo dự thảo Luật, Quốc hội giám sát như thế nào thì HĐND giám sát như vậy nhưng quan điểm của bà Nguyễn Hoàng Anh là 2 hoạt động giám sát này khác nhau. Quốc hội giám sát thực thi Luật, chính sách, còn HĐND giám sát những vấn đề nổi bật ở địa phương mới sát yêu cầu của đời sống.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật cũng cho rằng, cần phân biệt chất vấn và giải trình. Đưa hoạt động giải trình vào kỳ họp thì mất nhiều thời gian vì kỳ họp có nhiều nội dung.

dbqh3.jpg
Đại biểu tham gia góp ý hội nghị. Ảnh: Mai Hữu

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội Đào Thịnh Cường cho rằng, nội dung chất vấn cần cụ thể, tạo sự bình đẳng giữa chủ thể giám sát và được giám sát, tránh tình trạng thông tin chất vấn chưa chính xác; quyền chất vấn phải đi đôi với trách nhiệm - thông tin phải kiểm chứng. Do đó, ông Đào Thịnh Cường đề nghị bổ sung cơ chế này vào dự thảo Luật, đồng thời đề nghị cân nhắc quy định đại biểu Quốc hội được kiến nghị xem xét trách nhiệm với người được chất vấn.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Phạm Thị Thanh Mai đã ghi nhận những ý kiến đóng góp có chất lượng cao của các đại biểu đối với 2 dự thảo Luật và cho biết sẽ tiếp thu, tổng hợp chuyển đến các cơ quan soạn thảo và Quốc hội xem xét.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp ý vào một số dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tám

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.