(HNM) - Nhà văn Đình Kính, Chủ tịch Hội Nhà văn Hải Phòng, tác giả kịch bản bộ phim chính luận "Chủ tịch tỉnh" vừa lên sóng giờ vàng trên VTV - cho biết như vậy. Nhà văn Đình Kính đã chia sẻ với Hànộimới quanh bộ phim này.
- "Chủ tịch tỉnh" đã lên sóng được 6 tập, là một khán giả đồng thời là tác giả kịch bản, anh có thể chia sẻ cảm nhận của mình cũng như phản hồi từ khán giả?
- "Chủ tịch tỉnh" dài 38 tập, mới chiếu được 6 tập, nên mọi cảm nhận, nếu có, sợ rằng sẽ phiến diện. Tuy nhiên, qua mấy tập đầu có thể nói rằng đạo diễn và diễn viên đã thể hiện tương đối tốt vai trò của mình. Tiết tấu phim cũng được đẩy nhanh hơn các phim khác. Diễn viên chính của phim phần lớn là các NSƯT, có kinh nghiệm nên nhập vai khá nhuyễn. Tuy vậy, trong vài ba vai, cách diễn, cách thoại vẫn "kịch" hơn "phim". Thậm chí là hơi cường điệu. Đặc biệt là thoại, đớp lời quá nhanh, ít diễn. Nhưng nhìn chung, phần lớn người xem đều bằng lòng. Nhiều bạn bè gọi đến khen. Tôi nghĩ trong tình hình hiện nay, vậy là đã thành công.
Cảnh trong phim “Chủ tịch tỉnh”. |
- Kịch bản "Chủ tịch tỉnh" có dựa trên cuốn tiểu thuyết nào không, thưa anh?
-Khác với những kịch bản trước đây, tôi thường chuyển từ tiểu thuyết hoặc truyện ngắn của mình, "Chủ tịch tỉnh" không chuyển từ tác phẩm nào cả, từ ý định, tôi viết thành kịch bản luôn. Và tôi đang làm cái việc ngược lại, nghĩa là chuyển kịch bản "Chủ tịch tỉnh" thành tiểu thuyết. Từ 1.400 trang (khổ A4) kịch bản, rút ngắn lại chừng 200 trang (A4) tiểu thuyết.
Trong "Chủ tịch tỉnh", tôi không dựa vào một nguyên mẫu nào. Nhưng tin rằng ông chủ tịch tỉnh nào xem phim cũng sẽ thấy dáng dấp mình trong đó. Viết kịch bản cho hay, rất khó, nhưng viết tiểu thuyết khó hơn nhiều. Kịch bản "Chủ tịch tỉnh" tôi viết trong 6 tháng, nhưng để chuyển kịch bản đó thành tiểu thuyết, mặc dù số chữ ít hơn 7 lần, nhưng đã hơn một năm mà vẫn chưa hoàn thành.
- "Chủ tịch tỉnh" là một trong 3 kịch bản nằm trong kế hoạch "sản xuất" của anh năm 2009. Viết nhiều cùng một lúc như vậy e có bị trùng lặp không, thưa nhà văn?
- Không hề trùng lặp, bởi mỗi phim là một đề tài, một cách viết riêng biệt. Ví dụ "Chủ tịch tỉnh", là phim phản ánh chuyện chạy chức chạy quyền, chạy dự án, một thực trạng đau xót hiện nay trong xã hội. Còn phim "Đường Hồ Chí Minh trên biển" (40 tập) lại viết về đề tài chiến tranh (chuyển thể từ tiểu thuyết "Người của Biển" và "Sóng chìm"). Một phim mang tính phê phán, cảnh báo; một phim ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của con người trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.
- Phim Việt Nam hay bị thành kiến "chưa xem đã biết". Anh khắc phục tình trạng này trong kịch bản của mình như thế nào?
- Tôi tin "Chủ tịch tỉnh" sẽ không thế. Muốn thu hút khán giả không dễ, kịch bản phải tạo được nhiều tình huống bất ngờ, nhân vật có số phận, có tính cách, có cuộc sống riêng với các mối quan hệ dích dắc. Khác với tiểu thuyết, có thể không cần cốt truyện, nhưng kịch bản phim truyện nhất thiết phải có câu chuyện làm nền. Chuyện càng hấp dẫn, phim càng hay. Với "Chủ tịch tỉnh", tôi đã hư cấu nên một câu chuyện có nhiều tình tiết éo le, bất ngờ. Tôi tin rằng, càng về sau "Chủ tịch tỉnh" càng lôi cuốn.
- Đài THVN cho biết đây là kịch bản được trả nhuận bút cao nhất. Xin hỏi anh, con số ấy là bao nhiêu? Anh tự thấy mình có phải là người sống được bằng nghề viết?
- Về nhuận bút, có lẽ nên để phía truyền hình trả lời. Tôi chỉ biết rằng so với các phim trước đó của tôi, kịch bản "Chủ tịch tỉnh" được trả nhuận bút cao hơn.
Bình thường thì không thể sống được bằng nhuận bút viết văn. Càng không sống được nhờ viết tiểu thuyết. Nhuận bút viết tiểu thuyết đủ mua sách tặng bạn bè, không phải bỏ tiền túi ra đã là may rồi. Nhưng nhà văn vẫn đam mê viết vì đó là nghiệp, là danh dự của họ. Cũng có nhà văn sống khá giả bằng nghề viết. Muốn vậy thì phải viết tạp phí lù, viết báo, kịch bản phim, kịch bản lễ hội, kể cả viết thuê, viết theo đơn đặt hàng… Nhưng số người làm được như vậy không nhiều. Tôi tự nhận mình là một trong những người không nhiều ấy.
- Viết tiểu thuyết, kịch bản, làm phim chính luận về các nhà lãnh đạo, về chống tham nhũng… là một nét mới trong đời sống VHNT gần đây. Anh nghĩ gì về điều này? Và làm thế nào để phát triển mạnh dòng phim truyện chính luận, cả phim truyền hình và phim điện ảnh?
- Viết phim chính luận rất khó, không cẩn thận là rơi vào tình trạng khô khan, cứng nhắc, giáo điều. Nếu thêm một bộ phim tương tự như "Bí thư tỉnh ủy" nữa, tôi tin người xem sẽ bỏ màn hình. Muốn kéo người xem về với phim chính luận, như tôi đã nói ở trên, thì phải tạo được câu chuyện hấp dẫn, nhiều kịch tính với những nhân vật đa dạng về tính cách, nhiều mâu thuẫn nội tại và nhiều tình huống bất ngờ. Viết kịch bản phim chính luận theo kiểu minh họa thì sẽ thất bại.
Rất nên có nhiều phim chính luận. Vì đó là một dạng thức thưởng thức nghệ thuật đặc trưng, được nhiều người quan tâm. Và cũng do đặc trưng của thể loại, phần lớn loại phim này đều là các nhà văn lớn tuổi, có vốn sống đủ tầm viết. Làm thế nào phát triển thể loại phim này ư? Chỉ có thể đặt hàng và tạo những điều kiện cần thíết cho các nhà biên kịch và nhà văn thôi, và không quên khuyến khích bằng vật chất xứng đáng. Nghĩa là trả nhuận bút cao lên cho những tác phẩm hay.
- Anh có tiểu thuyết mới hoặc kịch bản sắp hoàn thành không?
- Tôi vừa hoàn thành 400 trang cuốn sách "Huyền thoại tàu không số". Hiện đang chuyển kịch bản "Chủ tịch tỉnh" sang tiểu thuyết, đồng thời viết lời bình cho 10 tập phim tài liệu "Huyền thoại tàu không số". Chưa có dự định gì thêm.
- Xin cảm ơn anh, chúc anh dồi dào sức khỏe để sáng tác nhiều hơn!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.