(HNM) - Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa phê chuẩn kế hoạch triển khai binh sĩ, đồng thời tăng cường năng lực phòng không tới Saudi Arabia và Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) nhằm thể hiện cam kết của Washington với an ninh của các đồng minh, bảo đảm dòng chảy tự do của nguồn nhiên liệu tại khu vực Vịnh Persian. Động thái này diễn ra sau vụ tấn công nhằm vào các cơ sở sản xuất dầu của Saudi Arabia mà Mỹ công khai đổ lỗi cho Iran.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, vụ Iran tấn công máy bay không người lái của Mỹ hồi tháng 6-2019 sau khi Tehran bắt giữ tàu chở dầu của Anh, cùng với vụ tấn công nhằm vào các cơ sở sản xuất dầu mới đây của Saudi Arabia đã làm căng thẳng leo thang trong khu vực. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng Washington muốn tránh chiến tranh với Iran và việc triển khai thêm quân tới vùng Vịnh là nhằm mục đích "răn đe và phòng vệ".
Thực tế việc triển khai quân tới Trung Đông là bước đi cần thiết của Mỹ khi nước này không thể mãi "im lặng" sau vụ tấn công vào an ninh của các đồng minh trong khu vực như Saudi Arabia. Mỹ cũng đang cân nhắc khả năng duy trì tàu sân bay tại khu vực này một cách thường xuyên. Những tháng gần đây, Bộ Quốc phòng Mỹ từng đưa nhiều vũ khí, khí tài đến khu vực song song với việc thực hiện chiến dịch tối đa hóa áp lực trừng phạt lên Iran. Ngày 20-9 vừa qua, Mỹ tiếp tục áp đặt thêm lệnh trừng phạt nhắm vào Ngân hàng trung ương Iran (vốn đã bị trừng phạt), Quỹ Phát triển quốc gia Iran và một công ty Iran mà các quan chức Mỹ cho rằng được sử dụng để che giấu chuyển khoản tài chính cho các vụ mua hàng quân sự.
Căng thẳng giữa Iran và Mỹ cùng các đồng minh gia tăng kể từ tháng 5-2018 khi Washington đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo này. Tình hình càng trở nên xấu đi sau khi xảy ra vụ tấn công nhằm vào cơ sở hóa dầu của Tập đoàn Dầu khí Aramco của Saudi Arabia tại Shaybah, gần biên giới với UAE hôm 14-9 vừa qua. Bất chấp việc lực lượng Houthi tại Yemen thừa nhận tiến hành, Mỹ và Saudi Arabia vẫn cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công trên, trong khi Tehran kiên quyết bác bỏ.
Bên cạnh việc bảo vệ an ninh cho các đồng minh, các nhà phân tích nhận định, việc Mỹ triển khai quân và vũ khí tới vùng Vịnh là một cách để tiếp tục duy trì ảnh hưởng tại khu vực này. Thứ nhất, việc bảo đảm dầu mỏ ở Vịnh Persian có thể giữ giá ổn định và giúp ích cho nền kinh tế toàn cầu. Thứ hai, sự hiện diện lâu dài của Mỹ tại đây có thể cho Washington những lợi ích nhất định. Do đó, dù không còn phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ ở vùng Vịnh như trước, song Mỹ vẫn tiếp tục duy trì nhiệm vụ này như một phần trong chiến lược của mình.
Dù Mỹ luôn khẳng định không muốn chiến tranh và xung đột với Iran, tuy nhiên, các đợt triển khai quân, vũ khí, khí tài của xứ Cờ hoa đến khu vực đã gặp phản ứng mạnh từ Tehran. Ngày 22-9, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài đe dọa an ninh năng lượng và hàng hải trong khu vực. Còn người đứng đầu Hải quân Iran, Chuẩn Đô đốc Hossein Khanzadi tuyên bố nước Cộng hòa Hồi giáo này sẵn sàng bảo vệ lãnh hải và sẽ đáp trả quyết liệt trước bất kỳ hành động gây hấn nào.
Trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần, Tổng thống D.Trump được cho là đã cố gắng để giảm thiểu và chấm dứt hành động can dự quân sự tại các điểm nóng, đặc biệt là nguy cơ bị kéo vào một cuộc xung đột nữa ở Trung Đông. Song, kế hoạch điều quân đến Saudi Arabia của Mỹ đang làm gia tăng quan ngại về leo thang căng thẳng ở vùng Vịnh, trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Tehran ngày càng xấu đi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.