Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguồn lực và động lực để xây dựng phát triển đô thị bền vững

Vân Hạ| 11/12/2022 05:52

(HNMCT) - Công nghiệp văn hóa đã và đang là “con gà đẻ trứng vàng” của nhiều quốc gia, trong đó, yếu tố sáng tạo là từ khóa không thể thiếu. Hà Nội đã tham gia vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, hơn bao giờ hết, văn hóa sáng tạo phải là nguồn lực và động lực để xây dựng, phát triển đô thị bền vững.

“Cổng sáng tạo” - một tác phẩm nghệ thuật được trưng bày tại trung tâm Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục trong Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022 thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Ảnh: Phạm Hưng

Giá trị vô hình của văn hóa sáng tạo

Với những giá trị, lợi ích mà văn hóa sáng tạo mang lại, thật khó để có thể đong đếm cụ thể bằng những con số. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định rằng: Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày... Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó là văn hóa.

Những sáng tạo ấy đi vào đời sống, trở thành phong tục tập quán, trở thành bản sắc văn hóa, trở thành những gì không thể thiếu trong đời sống và khó có thể quên khi phải rời xa. Giá trị vô hình của văn hóa sáng tạo là đã làm nên căn cước văn hóa của mỗi cá nhân, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. 

Nhưng, kể từ khi văn hóa được nhìn nhận như một loại hàng hóa đặc biệt, giá trị vô hình của văn hóa sáng tạo đang ngày càng hiện hữu cụ thể hơn. Hiện nay, xu hướng chung trên thế giới là coi yếu tố văn hóa sáng tạo như nguồn lực lớn nhất, là chìa khóa phát triển và dần chiếm vị trí trung tâm trong nền kinh tế của nhiều quốc gia, nhiều thành phố. Người ta có thể đo lường giá trị của văn hóa sáng tạo thông qua nhiều chỉ số như số lượng sản phẩm, lượt người tham gia, số lượng việc làm được tạo ra... cũng như những đóng góp cụ thể cho nền kinh tế.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, các ngành kinh tế sáng tạo, công nghiệp văn hóa đã và đang trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế thế giới. Văn hóa được quan tâm nhiều hơn khi là tác nhân kích thích sự sáng tạo, hình thành giá trị.

“Công nghiệp văn hóa”, “nền kinh tế sáng tạo”, “nhà sáng tạo nội dung”..., đó là những khái niệm mới trong những năm gần đây. PGS.TS Phạm Quỳnh Phương, Tổ trưởng tổ bộ môn Công nghiệp văn hóa và sáng tạo (khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Công nghiệp sáng tạo là khái niệm còn khá mới ở Việt Nam mặc dù có nhiều cá nhân đã thực hành công việc sáng tạo này nhiều năm nay rồi. Bức tranh công nghiệp văn hóa và sáng tạo khá phức tạp, nhưng cũng rất phong phú và có thể đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của Việt Nam”.

Công nghiệp văn hóa bắt đầu từ sáng tạo

Theo định nghĩa của UNESCO, công nghiệp văn hóa - sáng tạo là các hoạt động có mục đích chính là sản xuất hoặc tái sản xuất, quảng bá, phân phối hoặc thương mại hóa hàng hóa, dịch vụ và các hoạt động có bản chất liên quan đến văn hóa, nghệ thuật. Bởi vậy, dẫu mọi quốc gia trên thế giới đều có nền văn hóa nghệ thuật của riêng mình nhưng không phải quốc gia nào cũng có công nghiệp văn hóa.

Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn đang trên con đường xây dựng các ngành công nghiệp văn hóa. Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, muốn làm công nghiệp văn hóa thì phải có sáng tạo, và chi phí cho sáng tạo phải chiếm phần chủ yếu trong giá trị sản phẩm thay vì là nguyên liệu như hiện nay. Có thể lấy ví dụ từ các ngành thủ công mỹ nghệ, thời trang, games..., dù hiện đang khá phát triển nhưng chủ yếu vẫn là sản xuất kiểu “gia công”, thiếu yếu tố sáng tạo để có thể khẳng định bản quyền cũng như quyền sở hữu trí tuệ.

"Chất xám và tư duy sáng tạo chưa được trả công xứng đáng, thậm chí không được coi trọng bằng gia công thì rất khó tạo ra động lực cho doanh nhân đầu tư vào sáng tạo. Vấn đề này không chỉ liên quan tới các cấp quản lý, mà còn phụ thuộc vào ý thức của người tiêu dùng và hệ thống thực thi pháp luật trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả” - ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Group từng chia sẻ.

Đây cũng là tâm tư của những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo. “Đầu tư vào không gian sáng tạo - Bay bổng hay thực tế?”, đó là chủ đề của một cuộc tọa đàm thu hút đông người tham dự mà ở đó, nhiều người đã chia sẻ về vô số khó khăn mà họ gặp phải khi đa số không gian sáng tạo đều có nguồn lực hạn chế, quy mô nhỏ và siêu nhỏ, tồn tại và phát triển theo kiểu “sớm nở tối tàn”. Trong bối cảnh đó, các nhà sáng tạo của chúng ta vẫn đang mong mỏi có được "một cái tổ vững vàng” để có thể “an cư lập nghiệp”. 

Nhiều sự kiện sáng tạo được tổ chức tại Hà Nội thu hút đông đảo người dân tham gia. Ảnh: Phạm Hưng

Thành phố sáng tạo không thể thiếu con người sáng tạo

Với mục tiêu đưa Hà Nội trở thành điểm đến sáng tạo của khu vực trong một tương lai không xa, nhiều sự kiện đã được tổ chức, như Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo, cuộc thi Thiết kế không gian sáng tạo, cuộc thi Thiết kế nghệ thuật công cộng, thi vẽ minh họa và triển lãm “Hà Nội Là...”. Mới đây, nhằm tôn vinh, quảng bá và khơi dậy nguồn lực thiết kế sáng tạo trên địa bàn thành phố, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2022 đã được tổ chức trong gần 2 tuần với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Với “dân làm sáng tạo”, sự kiện nói trên thực sự là một ngày hội đúng nghĩa. Họ được thỏa sức thể hiện, chiêm ngưỡng, giao lưu, kết nối trong một lễ hội quy tụ 21 không gian sáng tạo nghệ thuật; gần 50 nghệ sĩ tham gia triển lãm, sắp đặt, trưng bày; gần 300 nghệ sĩ tham gia các chương trình biểu diễn. Gần 50 đơn vị, tổ chức, cộng đồng sáng tạo tham dự lễ hội quy mô lớn này, nơi có nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo chuyên sâu mang ý nghĩa thiết thực. Theo ông Christan Manhart, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, sự kiện này là cơ hội tuyệt vời để kết nối mọi người đến với nhau, cùng tôn vinh thành quả sáng tạo.

Tuy nhiên, cũng có thể nhận ra sự thiếu hụt về nền móng xây dựng công nghiệp văn hóa - sáng tạo trong lễ hội nói trên. Đông đảo người dân Thủ đô đã đến tham quan và trải nghiệm, trong đó có không ít người tỏ ra ngạc nhiên trước những “công trình” dựng rồi lại dỡ. Một số khác thể hiện sự hiếu kỳ khi tham quan, nhưng không thoát khỏi cảm giác... “không hiểu lắm”. Điều đó phần nào cho thấy giáo dục nghệ thuật cũng như việc trang bị kiến thức phục vụ cho sáng tạo trong các trường phổ thông vẫn chưa được coi trọng. Hiệu quả đào tạo hạn chế tạo tác động không tốt đến sự hình thành mặt bằng cảm thụ nghệ thuật và thị hiếu, thẩm mỹ của người trẻ. Như vậy thì làm sao có thể trang bị cho họ nhận thức đúng đắn về văn hóa? Làm sao để phát hiện tài năng sáng tạo trong khối học sinh?

Sáng tạo là từ khóa then chốt trong xu thế phát triển công nghiệp văn hóa của tương lai, nhưng công tác đào tạo nguồn nhân lực về sáng tạo hiện vẫn còn khá hạn chế, nhất là khâu đào tạo chuyên sâu, liên ngành. Trong một cuộc tọa đàm về “Trò chuyện về bìa sách” được tổ chức cách đây không lâu, rất nhiều bạn trẻ đặt câu hỏi xung quanh câu chuyện về thiết kế bìa sách. Tương tự, trong một số cuộc tọa đàm về games hay vẽ truyện tranh, làm phim hoạt hình..., không ít người tỏ ra “ngơ ngác”, muốn được tư vấn để biết mình có thể học ở đâu. Ở khía cạnh khác, trong các trường về nghệ thuật hiện nay, đa số chỉ chú trọng các môn chuyên ngành mà xem nhẹ các môn kỹ năng cần thiết liên quan tới xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa như quan hệ công chúng, marketing nghệ thuật, kỹ năng kinh doanh...

Giám đốc nội dung Công ty UNIKON Việt Nam Đinh Trần Tuấn Linh chia sẻ: “Là người từng làm trong ngành được gọi là sáng tạo từ những năm 2003, hai chữ "sáng tạo" đối với “dân làm nội dung” chúng tôi nói chung liên quan tới việc làm sao để cân bằng giữa cái tôi và cái cho khách hàng. Đây là vấn đề nổi lên thường trực trong mọi nhóm, từ viết kịch bản, đồ họa hay nhóm làm chiến lược. Khi đã gọi là công nghiệp văn hóa thì đó phải là ngành “ra tiền”, nhưng phải cân bằng yếu tố lợi nhuận với cái tôi sáng tạo, với mong muốn của tác giả. Lý do khiến chúng tôi từng thất bại với games thuần Việt liên quan tới điều này. Và đó là vấn đề mà những ai muốn tham gia vào ngành sáng tạo đều phải đối diện”.

Một thành phố sáng tạo không thể thiếu những con người sáng tạo. Bởi, cho dù trí tuệ nhân tạo có phát triển đến đâu thì cũng không thể thay thế con người, nhất là trong lĩnh vực sáng tạo. Bằng những kế hoạch, dự án, chương trình, sự kiện được thực hiện liên tục trong thời gian qua cùng sự thay đổi về nhận thức theo hướng tích cực, tin rằng, Hà Nội, với bề dày văn hóa và không thiếu tài năng, công nghiệp văn hóa - sáng tạo, sẽ sớm tới ngày “cất cánh”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nguồn lực và động lực để xây dựng phát triển đô thị bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.