(HNMO) - Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư; định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 2549/QĐ-UBND ngày 21-7-2022 ban hành Quy trình: Đăng ký khai sinh, Đăng ký kết hôn, Đăng ký khai tử trên Cổng Dịch vụ công, chia sẻ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã.
Để triển khai nghiêm túc, hiệu quả 3 quy trình, ngày 30-8, Ban Chỉ đạo Đề án 06 thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị triển khai, tập huấn 3 quy trình. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 06 dự.
Trong chương trình, các đại biểu tham dự đã được hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ sử dụng đối với Hệ thống thông tin “một cửa điện tử” có kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hướng dẫn sử dụng đăng ký, đăng nhập tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, ngành Tư pháp đã có nhiều cải tiến để đưa 3 dịch vụ công: Đăng ký khai sinh - Đăng ký kết hôn - Đăng ký khai tử đi vào cuộc sống. Đây là các dịch vụ vô cùng thiết yếu, gắn bó suốt cuộc đời người dân. Hà Nội được Trung ương chọn làm điểm, đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, trách nhiệm rất cao, nên phải đẩy mạnh tuyên truyền, làm thực chất, để người dân được hưởng lợi ích từ Đề án 06.
Theo đồng chí Lê Hồng Sơn, để triển khai nghiêm túc, hiệu quả 3 quy trình, các quận, huyện, thị xã phải tổ chức thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ điện tử trên Cổng Dịch vụ công, “một cửa điện tử” theo quy trình do UBND thành phố ban hành. Đây là việc khó, việc mới, do đó, lãnh đạo cấp quận, cấp xã phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, chỉ đạo; vừa làm, vừa hoàn thiện việc thực hiện 3 quy trình. Dữ liệu dân cư, dữ liệu hộ tịch phải được đảm bảo an toàn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn cũng đề nghị lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn đánh giá toàn diện về quy trình, nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị để có giải pháp thực hiện đạt hiệu quả; chỉ đạo công chức trên địa bàn gương mẫu sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, tiếp nhận phản ánh của công dân trong sử dụng dịch vụ công, tập hợp, kiến nghị, đề xuất điều chỉnh về quy trình, thủ tục. Sở Tư pháp tích cực phối hợp với các đơn vị tập huấn nghiệp vụ cho công chức UBND cấp xã, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện 3 quy trình. Định kỳ tổng hợp, báo cáo UBND thành phố, Bộ Tư pháp về tình hình, kết quả thực hiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.