(HNNN) - Trước Tết Nguyên đán thường là dịp “cao điểm” của các hoạt động cưới hỏi, giỗ chạp, liên hoan tất niên... Cùng với những bữa tiệc liên miên ấy, số lượng rượu bia tiêu thụ cũng tăng cao, kèm theo đó là nguy cơ gia tăng số vụ ngộ độc do sử dụng rượu kém chất lượng.
Hậu quả khôn lường
Thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân nhập viện do ngộ độc methanol (cồn công nghiệp) có chiều hướng gia tăng. Theo đó, trong tháng 10 và tháng 11-2020, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 2 vụ ngộ độc methanol với ít nhất 7 người bị ngộ độc, 1 người tử vong và 1 người bị tổn thương mắt và não. Tất cả các trường hợp này được xác định có liên quan tới sản phẩm rượu mang tên “rượu nếp”, “hầm rượu Việt” của cơ sở sản xuất rượu Đất Lúa, có địa chỉ ghi trên nhãn mác ở phố Trương Xá, xã Toàn Thắng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.
Đáng chú ý, ngày 3-11-2020, Trung tâm tiếp nhận một bệnh nhân nam (32 tuổi) được chẩn đoán ngộ độc cồn công nghiệp. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử giãn, huyết áp tụt, xét nghiệm cho thấy nồng độ methanol trong máu rất cao, nhiễm toan chuyển hóa nặng. Kết quả chụp CT cho thấy, bệnh nhân có tổn thương não rất nặng, dù bệnh nhân được giải độc, cấp cứu và hồi sức tích cực nhưng đã tử vong.
Trước đó, từ đầu tháng 7 đến đầu tháng 8-2020, Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận và điều trị cho 7 bệnh nhân ngộ độc methanol trong tình trạng rất nặng. Như vậy, chỉ trong 5 tháng, từ tháng 7 đến tháng 11-2020 cơ sở này đã tiếp nhận gần 20 bệnh nhân ngộ độc rượu được cấp cứu trong tình trạng nguy hiểm tới tính mạng.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, thời điểm trước và sau Tết, số bệnh nhân nhập viện liên quan đến rượu bia tăng cao, trong đó chủ yếu là xuất huyết tiêu hóa, men gan tăng, viêm gan, xơ gan, viêm tụy... Hầu hết bệnh nhân vào viện trong tình trạng lạm dụng rượu kéo dài nhiều năm. Cá biệt có nhiều bệnh nhân ra vào viện 9 - 13 lần do xuất huyết tiêu hóa.
Nhấn mạnh về tác hại của rượu bia đối với sức khỏe, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho hay, việc lạm dụng rượu bia lâu ngày sẽ gây ra các bệnh về gan, thần kinh và làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể. Đáng lưu ý, nhiều người sai lầm khi cho rằng, uống rượu “xịn”, uống bia không gây hại cho gan, nhưng thực tế không phải như vậy, dù là loại rượu bia “xịn” gì thì cũng vẫn là gánh nặng cho gan. Chưa kể, không ít người bị ngộ độc rượu, thoát chết nhưng phải chịu di chứng nặng nề ở não, mắt..., mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Tránh xa “tử thần”
Về nguyên nhân xuất hiện nhiều ca ngộ độc methanol trong thời gian qua, các chuyên gia cho rằng đó là do các loại rượu có pha cồn công nghiệp methanol vẫn đang được bán trôi nổi trên thị trường, trong các quán ăn, nhà hàng nhưng chưa được kiểm soát tốt. Cụ thể, thời gian gần đây, ở các quán nhậu vỉa hè xuất hiện loại “đặc sản” mang tên “rượu ngô bao tử” hay còn gọi là “ngô non”, hoặc “ngô vàng”, được “dân nhậu” ưa thích.
Còn trên các trang mạng, người buôn kẻ bán quảng cáo rầm rộ “Rượu ngô bao tử Bắc Hà” hay “Rượu ngô bao tử thơm ngon, nguyên chất 100% ủ bằng men lá, không đau đầu, không háo nước”. Các loại rượu ngô bao tử này đều là loại hàng hóa không tem nhãn, được đóng thành can 10 - 20 lít, bán với giá “siêu rẻ” - từ 20.000 đồng tới 28.000 đồng/lít.
Theo chia sẻ của một số dân buôn có kinh nghiệm thì các hộ kinh doanh nhập rượu từ Trung Quốc, sau đó sử dụng hóa chất tạo màu vàng cho rượu, pha thêm hương liệu thường được sử dụng để sản xuất kẹo ngô.
Theo Thạc sĩ Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, về nguyên tắc, nếu nhìn bằng mắt, ngửi hoặc nếm thì khó biết được rượu chứa hàm lượng methanol cao hay thấp. Chính vì thế, người dân phải nâng cao cảnh giác, chọn loại rượu có đầy đủ nhãn mác, thông tin như tên sản phẩm, tên và địa chỉ của nhà sản xuất hay đơn vị nhập khẩu.
“Nhiều người vẫn có thói quen mua rượu tùy tiện, tin vào lời quảng cáo của người bán hàng là “rượu quê” hay “rượu nhà nấu”, “rượu xách tay”, thậm chí nhiều người còn mua các loại rễ cây, thảo mộc, động vật, côn trùng để ngâm rượu mà không quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ. Điều này rất nguy hiểm bởi ngâm rượu không đơn giản là đổ rượu vào đồ định ngâm rồi cất trữ trong thời gian dài; việc này đòi hỏi kiến thức chuyên môn, chẳng hạn như nguyên liệu làm thuốc và trái cây cần được tuyển chọn kỹ, các loại trái cây phải có độ an toàn cao, thuộc nhóm thực phẩm ít axit oxalic phù hợp để ngâm rượu”, Thạc sĩ Trần Việt Nga khuyến cáo.
Ngoài ra, theo Thạc sĩ Trần Việt Nga, ngành Y tế cần thường xuyên đưa ra cảnh báo về việc sử dụng rượu bia đối với người dân, như không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong; không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; không uống rượu không rõ nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng; không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị; trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia...
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, kiến nghị: Các cơ quan chức năng cần có biện pháp quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý hoạt động sản xuất và kinh doanh rượu, hóa chất, cồn công nghiệp nhằm ngăn chặn tình trạng ngộ độc do uống rượu được pha chế từ cồn công nghiệp. Người bị ngộ độc methanol nếu được điều trị kịp thời thì khá đơn giản, chỉ cần được lọc máu, sử dụng thuốc giải độc là có thể chữa khỏi, thậm chí còn không để lại tổn thương trên cơ thể. Tuy nhiên, do hầu hết bệnh nhân không biết mình bị ngộ độc methanol nên đến viện khi đã muộn. Chính vì không được điều trị kịp thời nên tỷ lệ tử vong ở các ca bệnh này rất cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.