(HNM) - Biến đổi khí hậu đang gây ra những thách thức lớn đối với mọi mặt đời sống, trong đó có sản xuất nông nghiệp.
Trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của Hà Nội, sản xuất nông nghiệp được đánh giá là một trong những lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất do BĐKH. Những năm gần đây các cơn bão có diễn biến bất thường, gia tăng cả về số lượng và cường độ bão, đặc biệt xuất hiện nhiều “siêu bão” gây thiệt hại cho cơ sở nuôi trồng thủy sản, tàn phá hệ thống đê điều, năng suất cây trồng. Theo phân tích của Viện Môi trường nông nghiệp, BĐKH có khả năng làm giảm năng suất của một số cây trồng chính. Cụ thể, năng suất lúa xuân sẽ giảm 405,8kg/ha vào năm 2030 và 716,6kg/ha vào năm 2050. Năng suất lúa hè thu sẽ giảm tương ứng khoảng 429kg/ha và 79 kg/ha. Năng suất ngô có nguy cơ giảm 444,5kg/ha và 781,9kg/ha; đậu tương giảm 83,47kg/ha và 214,81kg/ha…
Với những diễn biến phức tạp của thời tiết, các cơ quan chức năng và người dân phải sẵn sàng giải pháp ứng phó nhằm giảm tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra. Ảnh: Văn Thắng |
Năm 2016, hiện tượng El Nino được dự báo có khả năng kéo dài, gây tổn thất nặng nề cho sản xuất nông nghiệp. Tại Hà Nội đã xảy ra giá lạnh kỷ lục, 40 năm mới có tuyết rơi ở đỉnh núi Ba Vì, nhiệt độ giảm xuống mức 5,4 độ C ở quận Hà Đông… Đặc biệt, mưa bão xảy ra ngay từ cơn bão số 1 (thông thường từ bão số 3 mới ảnh hưởng đến Hà Nội). Bão đầu mùa với đường đi phức tạp, vào khu vực Hà Nội gió giật mạnh làm thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp. Tính riêng mức độ ảnh hưởng của bão số 1, Hà Nội có 1.883ha lúa, 3.585ha hoa màu, 3.918ha cây trồng lâu năm, 34.684ha cây trồng hằng năm, 21.262ha cây ăn quả tập trung bị thiệt hại. Bão còn gây thiệt hại lớn cho lĩnh vực chăn nuôi với 2.390 gia súc và 54.144 gia cầm bị chết, cuốn trôi…
Ngoài gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, bão số 1, số 3 gây mưa to và rất to trên địa bàn thành phố, tạo ra các đợt lũ làm sạt lở 25 vị trí đê, kè trên tuyến sông hữu Đà, hữu Hồng, tả Hồng, tả Đuống, tả Đáy… Bên cạnh đó, Hà Nội còn chịu ảnh hưởng các hiện tượng thời tiết cực đoan như: Mưa lớn, nắng nóng, rét hại... đã làm tăng khả năng phát triển sâu bệnh, dịch bệnh, dẫn đến giảm năng suất và sản lượng trong sản xuất, tăng nguy cơ rủi ro đối với nông nghiệp.
Để ứng phó thời tiết cực đoan, thành phố đã giao Sở NN&PTNT chủ trì, thực hiện các dự án củng cố hệ thống đê điều bảo vệ Thủ đô; nạo vét và khơi thông lòng sông, kênh mương bảo đảm thoát lũ kịp thời; hỗ trợ di dời 28.766 hộ với 117.721 khẩu dọc sông Hồng, sông Đáy, sông Tích bị ảnh hưởng sạt lở do mưa lũ; xây dựng cải tạo nâng cấp các tuyến đường cứu hộ cứu nạn tại các vùng có nguy cơ ngập lụt do BĐKH… Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã chủ động nghiên cứu và đưa ra các giải pháp giảm nhẹ BĐKH thông qua phương án giảm phát thải khí nhà kính như quản lý tưới tiêu lúa, cải tiến thức ăn chăn nuôi, sử dụng khí sinh học... Đơn cử như trong kỹ thuật tưới tiêu nước cho lúa, thời kỳ mạ, giai đoạn cuối đẻ nhánh và sau trỗ 15-20 ngày là lúc yêu cầu nước của cây lúa thấp nhất nên có thể rút cạn nước, giữ ẩm. Biện pháp này có thể làm giảm phát thải methane từ 25% đến 30%, đồng thời tăng năng suất lúa 3-5%. Trong xử lý phế thải chăn nuôi sinh ra khí methane, Hà Nội áp dụng giải pháp xây dựng các bể biogas dùng làm nhiên liệu đun nấu thay thế chất đốt. Giải pháp này cũng hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn…
Để bảo đảm phát triển bền vững trong điều kiện BĐKH, ngành Nông nghiệp Hà Nội cũng đã xây dựng các giải pháp thích ứng, như điều chỉnh cơ cấu cây trồng và thời vụ phù hợp với hoàn cảnh BĐKH; đa dạng hóa hoạt động xen canh, luân canh; cải thiện hiệu quả tưới tiêu nông nghiệp; tổ chức cảnh báo lũ lụt, hạn hán. Xây dựng các biện pháp bảo đảm sức khỏe cho vật nuôi trong những ngày nắng nóng; phòng dịch bệnh phát sinh do thời tiết, khí hậu ngày càng có diễn biến phức tạp…
Cùng những giải pháp của Sở NN&PTNT, thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn phổ biến kiến thức, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về tác động của BĐKH cho từng địa phương, từng ngành; xây dựng mô hình cộng đồng ứng phó với thiên tai có hiệu quả trong điều kiện BĐKH; tham mưu cho thành phố xây dựng và ban hành các chính sách nhằm khuyến khích phát triển mô hình sản xuất sạch, các công nghệ thân thiện với môi trường nhằm giảm phát thải khí nhà kính, nguyên nhân dẫn đến BĐKH...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.