Nông nghiệp - Nông thôn

Ngành Nông nghiệp tăng trưởng cao nhất trong 1 thập kỷ

Ngọc Quỳnh 29/12/2023 - 18:00

Chiều 29-12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức họp báo thông tin về kết quả năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 .

Chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp

hnm.1cdn.vn-2023-12-29-_quang-canh-1-.jpg
Quang cảnh buổi họp báo.

Năm 2023, ngành Nông nghiệp thực hiện chuyển đổi mạnh từ “tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành”; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông, lâm, thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng nên đạt được kết quả tích cực.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Việt cho biết: Dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng giá trị gia tăng toàn ngành vẫn tăng cao, ước đạt 3,83%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây.

Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế. Trong đó, sản lượng lúa đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022; sản lượng thịt hơi các loại đạt 7,6 triệu tấn, tăng 3,5%; sản lượng thủy sản 9,3 triệu tấn, tăng 2,9%...

Bộ NN&PTNT đã hướng dẫn các địa phương điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ phù hợp tình hình thời tiết, giảm thiểu thiệt hại bởi thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, Bộ phối hợp các địa phương hướng dẫn cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi và truy xuất nguồn gốc nông sản phục vụ xuất khẩu.

Theo Cục trưởng Cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp, các cơ quan chức năng đã theo dõi sát diễn biến giá cả, cân đối cung - cầu trong nước, đề xuất kịp thời các giải pháp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lưu thông, phân phối, tiêu thụ nông sản theo mùa vụ.

Bộ cũng phối hợp với các địa phương tìm giải pháp kết nối cung - cầu, thúc đẩy tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch; nhất là kết nối đưa nông sản vào hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng và sàn thương mại điện tử; mở cửa thị trường xuất khẩu, đồng thời, coi trọng thị trường trong nước, áp dụng quy trình sản xuất tốt, an toàn, chất lượng… Nhờ đó, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 53,01 tỷ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%, chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước.

6 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD gồm: Rau quả đạt 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%; gạo 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%; hạt điều 3,63 tỷ USD, tăng 17,6%; cà phê 4,18 tỷ USD, tăng 3,1%; tôm 3,38 tỷ USD, giảm 21,7%; gỗ và sản phẩm gỗ 13,37 tỷ USD, giảm 16,5%. Trong đó, mặt hàng xuất khẩu tăng cao kỷ lục là rau quả, gạo...

xkg2.jpg
Gạo là mặt hàng xuất khẩu tăng kỷ lục.

Mục tiêu tăng trưởng 3,0-3,5%

Năm 2024 dự báo tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Mặc dù vậy, ngành Nông nghiệp vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng (GDP) 3,0-3,5%. Trong đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt tăng 2,0-2,2%; chăn nuôi 4,0-5,0%; thủy sản 3,7-4%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 54-55 tỷ USD...

rau-qua.png
Rau quả là một trong những mặt hàng xuất khẩu tăng kỷ lục.

Để đạt mục tiêu trên, theo Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường, Bộ tiếp tục phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, chính quyền địa phương xây dựng các chương trình tái cơ cấu, thông qua việc chọn những cây trồng, sản phẩm chủ lực có ưu thế cạnh tranh; xây dựng vùng sản xuất an toàn tạo năng suất, chất lượng cao; đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường sản xuất phân bón hữu cơ thay thế phân bón vô vơ. Qua đó, tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh, cung ứng ra thị trường nhiều sản phẩm giá hợp lý...

Kết luận buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, để đạt được những mục tiêu đề ra, toàn ngành Nông nghiệp, nông thôn tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng của năm ở mức cao nhất. Ngành cũng phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản cả trong nước và xuất khẩu; xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm chuỗi cung ứng thị trường trong nước; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu, bảo đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm trong mọi tình huống.

thanh-tri.jpg
Ngành Nông nghiệp tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.

"Ngành Nông nghiệp tiếp tục chú trọng phát triển nông thôn, trọng tâm là thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 gắn với phát triển kinh tế nông thôn theo hướng đi vào chiều sâu, bảo đảm chất lượng và bền vững, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngành Nông nghiệp tăng trưởng cao nhất trong 1 thập kỷ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.