Nông nghiệp

Ngành Nông nghiệp kỳ vọng "cán đích" xuất khẩu

Đỗ Minh 19/12/2023 - 06:46

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, 11 tháng năm 2023, xuất khẩu nông lâm sản của Việt Nam đạt 47,8 tỷ USD. Với kết quả này, ngành Nông nghiệp đã thực hiện được 89% mục tiêu năm 2023 là xuất khẩu đạt 54 tỷ USD.

Bên cạnh nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh, khó khăn nổi lên khi một số nhóm hàng chủ lực cũng giảm sâu, cùng với đó là biến động thị trường, xung đột chính trị thế giới. Song, ngành Nông nghiệp vẫn kiên định với mục tiêu "54 tỷ USD".

do-go.jpg
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang). Ảnh: Đào Thanh

Năm đặc biệt khó khăn

Bộ NN&PTNT thông tin, đến hết tháng 11, giá trị xuất khẩu của nhóm hàng lâm sản, thủy sản giảm sâu. Chỉ có nhóm nông sản, sản phẩm chăn nuôi tăng trưởng dương. Cụ thể, xuất khẩu thủy sản với các mặt hàng chủ lực tôm, cá tra… đạt 8,24 tỷ USD, giảm 18,9%; xuất khẩu lâm sản đạt 13,02 tỷ USD, giảm 17%...

Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập cho biết, 11 tháng năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 12,11 tỷ USD. Ngành gỗ đang cố gắng ở tháng cuối năm và phấn đấu nâng tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm lên khoảng 15 tỷ USD. So với năm ngoái, xuất khẩu gỗ và lâm sản dự tính sụt giảm hơn 2 tỷ USD. “Xuất khẩu gỗ và lâm sản năm nay chịu ảnh hưởng nhiều từ bất ổn chính trị thế giới và biến động thị trường. Nửa đầu năm 2023, xuất khẩu gỗ gặp nhiều khó khăn khi đơn hàng xuất khẩu giảm tới 60-70% và chỉ mới phục hồi vào những tháng gần đây”, ông Lập chia sẻ.

Tương tự, ngành hàng thủy sản, dự tính cả năm đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 9 tỷ USD, giảm 2 tỷ USD so với năm 2022.

Phân tích về sự sụt giảm xuất khẩu của một số mặt hàng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, 2023 là năm đặc biệt khó khăn đối với ngành Nông nghiệp, không chỉ Việt Nam mà với nhiều quốc gia. Ảnh hưởng từ dịch bệnh, xung đột chính trị trên thế giới dẫn đến khó khăn về xuất khẩu. Cùng với đó, biến động về kinh tế cũng khiến nhiều thị trường giảm nhập khẩu.

Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn, bất lợi thì xuất khẩu nông lâm sản cũng có lợi thế riêng. Do đó, nhiều ngành hàng xuất khẩu đột phá, bù trừ cho các mặt hàng đang giảm sâu. Điển hình là mặt hàng rau quả với kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2023 đạt 5,32 tỷ USD, tăng 74,5%. Tiếp đến là mặt hàng gạo với kim ngạch xuất khẩu đạt 4,41 tỷ USD, tăng 36,3%; xuất khẩu hạt điều đạt con số 3,31 tỷ USD, tăng 17,4%. Đặc biệt, xuất khẩu sản phẩm từ ngũ cốc đạt 1,08 tỷ USD, tăng 5,4%.

Hiện, Việt Nam có 6 sản phẩm/ nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD là gỗ và sản phẩm gỗ, rau quả, gạo, cà phê, tôm, hạt điều.

Kỳ vọng cán đích thành công

Dù không còn nhiều thời gian song ngành Nông nghiệp vẫn kiên định phấn đấu cán đích xuất khẩu nông lâm sản đạt 54 tỷ USD trong năm 2023.

Để đạt được mục tiêu đó, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tăng tốc ở những tháng cuối năm, thời điểm mà nhu cầu về nông sản trên thế giới tăng mạnh. Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chế biến và Xuất khẩu nông sản Việt Nguyễn Văn Huỳnh cho biết, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây như dứa gai, dưa bao tử, vải thiều... Sản phẩm của Công ty được xuất khẩu sang thị trường EU, châu Á và một số nước: Nga, UAE, Anh, Kazakhstan, Uzbekistan... với số lượng lớn. Mục tiêu của doanh nghiệp trong năm 2023 là xuất khẩu đạt 4 triệu USD. Đến thời điểm hiện nay, giá trị xuất khẩu đã đạt 3 triệu USD. Doanh nghiệp đang chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng cho đối tác nước ngoài và hoàn thành mục tiêu...

Thực tế, ngành Nông nghiệp hoàn toàn có thể kỳ vọng cán đích thành công. Phó Cục trưởng Cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Hòa cho biết, Trung Quốc đã cấp phép cho 12 mặt hàng rau quả, hơn 800 cơ sở chế biến thủy sản, 40 cơ sở bao gói cua, tôm hùm sống và 5 cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ chân trắng; 128 loại sản phẩm, 48 loài thủy sản của Việt Nam. Đây là những thuận lợi cho các doanh nghiệp “bắt sóng” cuối năm để tạo đà tăng trưởng. Đặc biệt, tháng cuối năm có nhiều hoạt động lễ, Tết tại các quốc gia nên nhu cầu nông sản, thực phẩm tăng mạnh. Trong khi đó, với lợi thế của rau quả, lúa gạo, hạt điều… và sự ổn định trở lại trong xuất khẩu lâm sản, thủy sản, ngành Nông nghiệp có thể đạt mục tiêu 54 tỷ USD của năm 2023.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay, các thị trường nhập khẩu đang ấm dần, có thị trường tăng mạnh. Cộng với nguồn vay 15.000 tỷ đồng được giải ngân thì thủy sản và lâm sản cũng sẽ vươn lên trong thời gian còn lại của năm, đóng góp tích cực vào giá trị xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản năm 2023.

Dự kiến từ nay đến cuối năm, chúng ta có cơ hội ký 4 nghị định thư, triển vọng có thêm 4 sản phẩm (dược liệu, dừa, hoa quả đông lạnh, dưa hấu) chuyển từ xuất khẩu truyền thống sang xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Việc triển khai hiệu quả các nghị định thư trên sẽ có thêm cơ hội đóng góp vào xuất khẩu nông sản năm 2023 và những tháng đầu năm 2024. Song hành, trong chiến lược phát triển bền vững, ngành Nông nghiệp nước ta vẫn tập trung nâng cao chất lượng, tăng chế biến xuất khẩu, chủ động ứng phó khi thị trường thế giới biến động.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngành Nông nghiệp kỳ vọng "cán đích" xuất khẩu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.