Ngày 23-4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông chính sách chuyên đề “Tìm hiểu về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và pháp luật lao động”.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học tham dự.
Trong chương trình, các chuyên gia lĩnh vực pháp luật, chính sách, bảo hiểm xã hội gồm: Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam); luật sư Đặng Văn Thành, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Nam Long, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Đông Anh; bà Tô Thị Kim Định, Phó Giám đốc BHXH huyện Đông Anh đã giải đáp các vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động.
Vấn đề công nhân quan tâm, phản ánh đó là, bên cạnh những mặt tích cực, bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quá trình chuyển đổi số, tự động hóa ngày càng sâu rộng... làm gia tăng sức ép về lao động, tác động trực tiếp đến người lao động, công nhân. Trong khi đó, điều kiện làm việc ở nhiều cơ sở còn hạn chế, môi trường làm việc độc hại… ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và điều kiện lao động của công nhân; tình hình tai nạn lao động vẫn xảy ra.
Đối với ngành Nông nghiệp, hoạt động sản xuất không chỉ trên những cánh đồng, nông trại, mà còn cả trong nhà máy, trên công trình… tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động cao. Do đó, việc cập nhật, nâng cao kiến thức pháp luật lao động nói chung, kiến thức về ATVSLĐ nói riêng luôn là vấn đề thời sự, thiết thực với người lao động.
Liên quan đến cách ứng phó khi có sự cố xảy ra về ATVSLĐ tại cơ sở sản xuất, chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân cho hay, theo quy định của Luật ATVSLĐ, người sử dụng lao động phải xây dựng, ban hành kế hoạch về xử lý sự cố và ứng phó với tình huống nguy hiểm khẩn cấp xảy ra tại nơi làm việc, trong đó xác định rõ quy trình, trách nhiệm xử lý sự cố tai nạn lao động. Đối với người sử dụng lao động, khi có sự cố xảy ra thì người lao động phải ra lệnh ngừng ngay hoạt động của máy móc, thiết bị, vật tư có nguy cơ gây tai nạn lao động, không được bắt buộc người lao động phải tiếp tục làm việc tại nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động...
Với câu hỏi, trong những ngày nghỉ lễ theo quy định, người sử dụng lao động có được quyền yêu cầu người lao động đi làm không, luật sư Đặng Văn Thành khẳng định, người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ và người lao động không được từ chối trong trường hợp: Lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật; thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm và thảm họa, trừ trường hợp có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người lao động theo quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Đối với dịp nghỉ lễ, nếu không thuộc các nhiệm vụ trên, người lao động có quyền từ chối.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.