Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn nỗi bất an trong trường học

Nhóm phóng viên| 12/11/2022 06:18

(HNM) - Thời gian gần đây, tình trạng bạo lực học đường vẫn diễn biến phức tạp, liên tiếp xảy ra nhiều vụ học sinh đánh nhau, tai nạn thương tích gây lo lắng, bức xúc dư luận xã hội. Đáng chú ý, từ diễn biến đến hậu quả của những vụ việc như vậy khiến nhiều người không khỏi lo lắng, bởi nguyên nhân không chỉ là những vụ xô xát, va chạm nhỏ nhặt, bột phát giữa các em học sinh mà xuất phát từ những mâu thuẫn, bắt nạt, dẫn đến tâm lý bất ổn trong thời gian dài...

Học sinh cần được tuyên truyền về kỹ năng ứng xử, văn hóa ứng xử trong trường học. Ảnh: Đỗ Tâm

Những diễn biến phức tạp

Vừa qua, sự việc một học sinh Trường Trung học cơ sở Đức Giang (huyện Hoài Đức) nhảy từ tầng 3 xuống sân trường, nghi do bạn trêu đùa khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoài Đức, trong tiết học thể chất, nhóm học sinh lớp 9A4 Trường Trung học cơ sở Đức Giang chơi đùa, trêu chọc em H.X.Q. Giáo viên đã chấn chỉnh, yêu cầu các bạn xin lỗi em H.X.Q và không tái diễn trò đùa. Đến tiết học thứ 4, em H.X.Q xin phép cô giáo ra khỏi lớp, sau đó ngã xuống sân trường và được đưa đi cấp cứu. Kết quả điều trị tại bệnh viện xác định, em H.X.Q bị gãy tay, gãy chân, vỡ xương chậu. Theo người nhà em H.X.Q, hành vi trêu đùa của nhóm học sinh lớp 9A4 là tụt quần của H.X.Q và chế nhạo khiến em xấu hổ và muốn tự tử...

Trước đó, ngày 16-9-2022, tại Trường Trung học cơ sở Hà Hồi (huyện Thường Tín) cũng xảy ra vụ việc học sinh đánh nhau, khiến một em bị chấn thương sọ não. Công an xã Hà Hồi đã vào cuộc điều tra và nhà trường đã ban hành quyết định đình chỉ học tập tạm thời một tuần với học sinh đánh bạn.

Gần đây nhất, trên mạng xã hội xuất hiện clip 1 trẻ tự kỷ học hòa nhập lớp 11 bị bạn đánh vì cho rằng có hành vi “sàm sỡ” với bạn học nữ. Tuy nhiên, theo những phụ huynh có con tự kỷ thì đây không phải là hành vi quấy rối mà chỉ là sự tò mò, mất kiểm soát về giới tính của trẻ tự kỷ khi đến tuổi dậy thì. Chị Nguyễn Ly (quận Hà Đông), người có con tự kỷ cho rằng, ở trẻ bình thường, các con biết kiểm soát hành vi và hiểu giới hạn giao tiếp, còn ở trẻ tự kỷ, hiểu và kiểm soát hành vi bột phát khó khăn hơn nên rất cần được sự quan tâm, chia sẻ của bạn bè, thầy cô. “Trẻ tự kỷ học đến lớp 11 là biết bao nỗ lực của gia đình và chính đứa trẻ vượt qua vô vàn khó khăn, rào cản trong cuộc sống để hòa nhập cộng đồng. Tôi hy vọng truyền thông, nhà trường và thầy cô, bạn bè thấu hiểu hơn về trẻ tự kỷ, trẻ gặp khó khăn khi hòa nhập cộng đồng để không còn cảnh bạo lực học đường”, chị Nguyễn Ly bày tỏ.

Cán bộ Học viện Cảnh sát nhân dân tuyên truyền kỹ năng tự vệ và phòng, chống bạo lực cho học sinh Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy (quận Cầu Giấy).

Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Tình trạng học sinh mâu thuẫn, đánh nhau xảy ra dù ở trong hay ngoài trường học cũng để lại hậu quả đáng tiếc, trong đó có những sang chấn tâm lý nặng nề. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách là các nhà trường phải đẩy mạnh công tác phòng, chống tai nạn thương tích, bảo đảm an toàn, an ninh trường học.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Lưu Hoa, ngay từ khi khai giảng năm học 2022-2023, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có văn bản gửi các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã và các cơ sở giáo dục, yêu cầu bảo đảm công tác y tế, an ninh, an toàn trường học, phòng, chống tai nạn thương tích và giáo dục an toàn giao thông. Các đơn vị, nhà trường chủ động thiết lập, công khai đường dây nóng để tiếp nhận và kịp thời xử lý các thông tin liên quan đến an ninh, an toàn trường học và bạo lực học đường; tổ chức tuyên truyền về kỹ năng ứng xử, văn hóa ứng xử trong trường học, thống nhất giải quyết một số tình huống sư phạm và quán triệt đầy đủ nội dung văn bản chỉ đạo về công tác bảo đảm an ninh, an toàn trường học đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Bà Nguyễn Thanh Hải (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, nhà trường phải nhận thức về mức độ nghiêm trọng của những tổn thương tâm lý đối với học sinh để tăng cường lồng ghép các nội dung giáo dục tâm lý, kỹ năng giao tiếp ứng xử có văn hóa, kỹ năng tự bảo vệ và xử lý các tình huống khó khăn trong nhà trường và ngoài xã hội, tránh để những mâu thuẫn, ấm ức bị dồn nén, kéo dài. Với các phụ huynh, cần theo sát con mình hơn nữa và giáo dục con hiểu thân thể, tính mạng là thứ quý giá nhất, dù bất kỳ chuyện gì xảy ra cũng không được phép làm tổn hại đến sức khỏe của mình.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, việc xây dựng và phát triển văn hóa học đường là nhiệm vụ lớn, trọng tâm của toàn ngành Giáo dục. Bộ yêu cầu triển khai hiệu quả Quy tắc ứng xử trong trường học và phát huy vai trò nêu gương của mỗi nhà giáo. Các địa phương và trường học tăng cường triển khai hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông; chung tay cùng với gia đình, cộng đồng kịp thời can thiệp những trường hợp học sinh có khó khăn về tâm lý... Qua đó, góp phần ngăn chặn tình trạng bạo lực trong học đường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn nỗi bất an trong trường học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.