Giáo dục

Lối sống đẹp dẹp bạo lực học đường

Dương Linh 10/04/2024 - 07:41

Cùng với việc đồng hành, chăm lo cho đội viên, thiếu nhi phát triển toàn diện, Thành đoàn - Hội đồng Đội thành phố Hà Nội chú trọng việc bồi dưỡng kỹ năng, xây dựng lối sống đẹp, ứng xử văn minh trong thiếu nhi. Đây là biện pháp nhằm ngăn ngừa bạo lực học đường cũng như vi phạm pháp luật trong học sinh.

xay-dung-loi-song-dep-ung-.jpg
Xây dựng lối sống đẹp, ứng xử văn minh trong thiếu nhi đang được học sinh Thủ đô tích cực thực hiện.

Bạo lực học đường vẫn diễn biến phức tạp

Bạo lực học đường vẫn là nỗi trăn trở của phụ huynh, nhà trường và toàn xã hội. Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, chỉ tính từ tháng 9-2021 đến tháng 11-2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường, liên quan đến 2.016 học sinh. Theo bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), bạo lực học đường vẫn diễn biến phức tạp. “Hiện có nhiều hình thức bạo lực học đường: Bạo lực "nóng" là hình thức đánh, đấm mà ta nhìn thấy được. Bạo lực "lạnh" là hình thức bạo lực về tinh thần, không giao tiếp, chia sẻ với người khác, hình thức này xảy ra nhiều trong trường học. Dù là hình thức bạo lực gì, đa phần nạn nhân sẽ bị khủng hoảng về cả thể chất lẫn tinh thần”, bác sĩ Nguyễn Trọng An cho hay.

Tại diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường” vừa được Thành đoàn - Hội đồng Đội thành phố Hà Nội tổ chức, nhiều học sinh nhận định, biểu hiện của bạo lực học đường không chỉ dừng lại ở những hành động chân tay, ở lời nói khích bác nhau mà bạo lực học đường trở nên phổ biến với các hình thức mới, khó phát hiện như bạo lực tinh thần, bạo lực thông qua mạng xã hội…

Em Trương Gia Bảo, học sinh Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành (Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết, trong lớp em có một bạn rất tích cực tham gia các hoạt động của trường, lớp nhưng lại bị các bạn khác tẩy chay, vì cho là "thích thể hiện". "Em nghĩ rằng đây cũng là một hành vi bạo lực học đường. Các bạn làm như vậy là không đúng, gây tổn thương cho bạn”, em Trương Gia Bảo chia sẻ.

Nhiều lần chứng kiến tình trạng bạo lực ngôn từ, bạo lực đánh, đấm… từ các bạn, em Nguyễn Thảo Tiên, học sinh Trường Trung học cơ sở Tân Định (quận Hoàng Mai) cho hay: “Không chỉ có hành vi bạo lực ngôn từ với bạn học, nặng nề hơn là bạo lực ngôn từ với cả thầy, cô giáo. Các bạn có những cảm xúc bột phát, lời nói rất tiêu cực đối với thầy, cô giáo trong trường. Đây là điều em thấy rất buồn”.

Bồi đắp kỹ năng, hình thành lối sống đẹp

Xuất phát từ thực tiễn, Thành đoàn - Hội đồng Đội thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc thi, lớp tập huấn để tuyên truyền, giáo dục cho thiếu nhi Thủ đô bồi đắp lối sống đẹp, ứng xử văn minh, thanh lịch, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường.

Đặc biệt, cụ thể hóa Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”, Đề án “Xây dựng nét đẹp văn hóa giao tiếp ứng xử cho thiếu nhi Thủ đô giai đoạn 2022-2025”, Thành đoàn - Hội đồng Đội thành phố đã phối hợp tổ chức cuộc thi “Văn hóa giao tiếp ứng xử trong thiếu nhi Thủ đô”. Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố Hà Nội Đào Đức Việt cho biết: Cuộc thi được triển khai rộng rãi tới các liên đội. Mỗi đội viên, thiếu niên, nhi đồng Thủ đô được trang bị kiến thức và kỹ năng giao tiếp ứng xử thanh lịch, văn minh, trở thành những tuyên truyền viên, đại sứ văn hóa về “Nói lời hay, làm việc tốt”; kế thừa, bồi đắp những giá trị tốt đẹp trong văn hóa giao tiếp ứng xử của người Hà Nội. Ngoài ra, Thành đoàn - Hội đồng Đội thành phố còn phối hợp với nhà trường tổ chức Ngày hội Thiếu nhi Thủ đô tỏa sáng; chỉ đạo 100% liên đội tổ chức Ngày hội “Thiếu nhi vui khỏe” và Ngày hội “Tiến bước lên Ðoàn” trong tháng 3-2024. Hàng nghìn đội viên, thiếu nhi tham gia các hoạt động này, qua đó, tạo sân chơi bổ ích, giáo dục đạo đức, lối sống cho các em.

Cùng với đó, để giúp đội viên, thiếu nhi đoàn kết, gắn bó trong học tập và cuộc sống, tại các liên đội thường xuyên tổ chức nhiều mô hình, diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường”, “Đôi bạn cùng tiến”, “Bạn giúp bạn”… Những cách làm này cũng góp phần giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh, bồi đắp văn hóa giao tiếp cho học sinh…

Thầy giáo Trương Đức Long, Tổng phụ trách Đội Trường Trung học cơ sở Ái Mộ (quận Long Biên) thông tin: Ngoài việc tổ chức các diễn đàn chia sẻ, sinh hoạt liên đội dưới cờ nhằm trang bị cho các em kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích, nhà trường đã thành lập phòng tư vấn học đường, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những mâu thuẫn, xung đột mà các em đang gặp phải để hỗ trợ giải quyết. Liên đội còn tổ chức các câu lạc bộ để các em có thể sáng tạo, bộc lộ tài năng và tự tin giao tiếp.

Theo em Nguyễn Châu Anh, học sinh Trường Trung học cơ sở Ái Mộ (quận Long Biên), để ngăn chặn nạn bạo lực học đường cần xây dựng tình bạn đẹp. “Em sẽ tuyên truyền tới các bạn về tầm quan trọng và ý nghĩa của tình bạn đẹp, chủ động học tập tích cực, ứng xử văn minh, thân thiện, nói không với bạo lực học đường, xứng đáng là học sinh Thủ đô”, em Châu Anh chia sẻ.

Phát huy vai trò, các cấp bộ Đoàn - Hội thành phố đã đa dạng hình thức tuyên truyền, giáo dục giao tiếp, ứng xử văn hóa cho học sinh. Tuy nhiên, để ngăn chặn bạo lực học đường cần sự chung tay phối hợp với tổ chức Đoàn - Hội từ sự quan tâm của gia đình, nhà trường, xã hội, phát huy vai trò của học sinh, đội viên thiếu nhi. Có như vậy mới hình thành và lan tỏa lối sống tích cực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lối sống đẹp dẹp bạo lực học đường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.