Giáo dục

“Bình quân 50 cơ sở giáo dục thì xảy ra 1 vụ bạo lực học đường”

Mai Hữu 07/11/2023 - 17:44

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều 7-11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, từ ngày 5-9-2021 đến 5-11-2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường, bình quân 50 cơ sở giáo dục thì xảy ra 1 vụ bạo lực học đường.

nguyenkimson.jpg
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn.

Đối với tình trạng bạo lực học đường được đại biểu Vương Quốc Thắng (Đoàn Quảng Nam) chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nêu thống kê từ ngày 5-9-2021 đến 5-11-2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường, liên quan đến 2.016 học sinh, trong đó, có 854 học sinh nữ; như vậy, cứ bình quân 50 cơ sở giáo dục thì xảy ra 1 vụ bạo lực học đường.

Về nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, Bộ trưởng cho biết, về phía ngành Giáo dục, trách nhiệm trong phát hiện, xử lý những tình huống dẫn đến bạo lực học đường chủ yếu vẫn được giao cho giáo viên, kiêm các công việc như tư vấn tâm lý. Hiệu trưởng cũng như giáo viên khi phát hiện tình huống dẫn đến bạo lực học đường vẫn còn lúng túng về kỹ năng xử lý.

Ngoài ra, qua quá trình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, học sinh học trực tuyến lâu dẫn đến những vấn đề về tâm lý, bên cạnh những vấn đề về tâm lý lứa tuổi. Đáng chú ý, Bộ trưởng dẫn thống kê của Tòa án nhân dân Tối cao, 220 nghìn vụ ly hôn hằng năm có đến 70-80% là có lý do liên quan đến xung đột, bạo lực gia đình.

"Số học sinh có bối cảnh bạo lực gia đình liên quan đến bạo lực học đường có tỷ lệ rất lớn”, Bộ trưởng phân tích và cho biết bạo lực học đường cũng có nguyên nhân từ việc học sinh bị ảnh hưởng bởi phim ảnh, mạng xã hội.

lytiethanh.jpg
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định) đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Về chất vấn của đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định) về những trăn trở, vướng mắc lớn nhất của đội ngũ giáo viên hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngày 15-8-2023, trước thềm năm học mới 2023-2024, Bộ có tổ chức gặp gỡ, trao đổi trực tuyến với hơn 1 triệu giáo viên và đã nhận được hơn 6.300 câu hỏi, ý kiến. Các ý kiến tại buổi gặp gỡ cho rằng, dù công tác đổi mới giáo dục đang gặp nhiều khó khăn nhưng đây cũng là nhiệm vụ vinh dự, các thầy, cô giáo đều thể hiện quyết tâm vượt qua.

Bên cạnh đó, các nhà giáo cũng bày tỏ tâm tư khi thách thức thì lớn, đời sống và các điều kiện của nhà giáo để thực hiện đổi mới giáo dục còn hạn chế, khó khăn. Các giáo viên mong muốn về phía xã hội, phụ huynh có thêm sự chia sẻ với công việc lớn mà lực lượng giáo viên đang làm, đồng thời, cần có sự cải thiện về mức lương, điều kiện sống.

Về câu hỏi chất vấn có cần thay đổi lại việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THCS kết hợp với xét tuyển vào lớp 10 và xét tốt nghiệp THPT của đại biểu Lý Tiết Hạnh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, bậc học THCS là giai đoạn giáo dục cơ bản, nền tảng, tích hợp để trang bị những kiến thức cơ bản nhất của giáo dục phổ thông; còn chương trình bậc học THPT tăng cường yếu tố phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh.

Theo Bộ trưởng, nếu trong 12 năm phổ thông có quá nhiều kỳ thi thì sẽ gây gánh nặng cho học sinh, trong khi toàn xã hội và ngành giáo dục cũng đang muốn giảm tải các kỳ thi. Mục đích và bản chất của kỳ thi tốt nghiệp THPT là để xét điều kiện tốt nghiệp phổ thông, đánh giá kết quả học tập và là căn cứ cho các trường đại học sử dụng cho việc tuyển sinh đại học.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Bình quân 50 cơ sở giáo dục thì xảy ra 1 vụ bạo lực học đường”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.