Ngày 25-9, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội tổ chức truyền thông về 2 chủ đề: “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Tình bạn, tình yêu tuổi học trò” tại 2 trường học trên địa bàn Hà Nội.
* Sáng 25-9, tại Trường THCS Bình Yên (huyện Thạch Thất), với chủ đề "Phòng, chống bạo lực học đường", Tiến sĩ Nguyễn Duy Nhiên (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ, trao đổi với gần 1.200 học sinh của trường về các hành vi bạo lực học đường; cách kiểm soát cảm xúc, xử lý khi bị bạo lực học đường…
Thông qua chương trình truyền thông, ban tổ chức kỳ vọng các học sinh nhận thức rõ hơn về các nguy cơ bạo lực học đường có thể gây ra với chính bản thân, bạn bè mình, từ đó, có phương án chủ động phòng, tránh như: Học các kỹ năng về phòng, chống xâm hại bạo lực; tránh xa bạo lực, không gây bạo lực, chủ động báo với thầy cô giáo, cha mẹ khi mình có mối đe dọa gây bạo lực hoặc biết được hiện tượng bạo lực có thể xảy ra đối với các bạn khác.
Thông điệp truyền thông với nhà trường là cần chủ động giảng dạy kỹ năng sống thường xuyên cho các học sinh, kịp thời phát hiện nguy cơ bạo lực học đường và ngăn chặn các trường hợp có xích mích trong nhà trường.
Với các gia đình, cần giáo dục con bằng các biện pháp tích cực, không dùng bạo lực, cả về thể chất và tinh thần. Người lớn trong nhà cần làm gương cho con cháu về cách ứng xử, giải quyết mâu thuẫn không dùng bạo lực.
Nhà trường và gia đình cần quan tâm tới tâm lý của con cái, luôn đồng hành cùng con, dành thời gian lắng nghe con trò chuyện, chia sẻ về những vấn về mà con gặp phải để kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ con...
* Chiều cùng ngày, tại Trường THCS Liên Trung (huyện Đan Phượng), các học sinh của trường đã cùng tham gia chương trình truyền thông với chủ đề “Tình bạn, tình yêu tuổi học trò”.
Thông điệp truyền thông của chương trình nhấn mạnh đến sự quan trọng của tình bạn, có thái độ tôn trọng sự đa dạng và khác biệt của các cá nhân, gắn liền với việc giáo dục bồi đắp tâm hồn đẹp cho các em.
Tại các chương trình truyền thông, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội cũng giới thiệu rộng rãi đường dây nóng 0243.2233111 của trung tâm, hoạt động 24/7, nhằm hỗ trợ các trường hợp cần sự bảo vệ khẩn cấp như trẻ em có nguy cơ bị bạo lực gia đình, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại tình dục, thân thể...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.