(HNM) - Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” và “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.
Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan TP Hà Nội Lê Thị Thu Hằng. |
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan TP Hà Nội Lê Thị Thu Hằng khẳng định, cán bộ, đảng viên trong khối thực hiện tốt việc gương mẫu, nêu gương theo đúng quy định sẽ giúp nâng cao tinh thần, trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.
- Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên vừa được Trung ương tổ chức quán triệt trực tuyến trên toàn quốc, thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhân dân. Tại Đảng bộ Khối các cơ quan TP Hà Nội, quy định này sẽ được triển khai như thế nào, thưa đồng chí?
- Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương là một trong những định hướng quan trọng được nêu tại Quy định số 08-QĐi/TƯ về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
Cùng với trách nhiệm nêu gương, căn cứ Hướng dẫn số 02-HD/TU, ngày 9-8-2018 của Thành ủy Hà Nội về thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TƯ, ngày 3-10-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành “Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” và Quy định số 124-QĐ/TƯ, ngày 2-2-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan TP Hà Nội đã xây dựng Kế hoạch số 82-KH/ĐUK nhằm triển khai các quy định nêu trên.
Một trong những yêu cầu đặt ra là sẽ thống nhất nội dung, hình thức, công khai để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đảng viên, đoàn viên, hội viên biết, góp ý và giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện giữ vững lập trường tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Qua đó phát huy vai trò của các đoàn thể trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh.
Cùng với việc xây dựng kế hoạch thực hiện, Đảng ủy khối cũng tổ chức quán triệt Hướng dẫn số 02-HD/TU đến cấp ủy cơ sở và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Như vậy, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu vừa phải gương mẫu, nêu gương, vừa chịu sự giám sát của các đoàn thể và nhân dân.
- Việc triển khai quy định, hướng dẫn về gương mẫu, nêu gương sẽ tác động thế nào đến cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ khối, thưa đồng chí?
- Là một đảng bộ đặc thù, bao gồm các tổ chức cơ sở Đảng trong các cơ quan của thành phố, nên khi triển khai thực hiện Quy định số 08-QĐi/TƯ, vai trò gương mẫu, nêu gương của người đứng đầu đặc biệt quan trọng. Cùng với đó, căn cứ vào các quy định, hướng dẫn, kế hoạch có liên quan của Trung ương, Thành ủy Hà Nội và Đảng ủy khối, cán bộ, công chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên sẽ tham gia góp ý và giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Việc thực hiện tốt các quy định, hướng dẫn, kế hoạch sẽ giúp mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt các cấp, nêu cao tinh thần trách nhiệm, nói đi đôi với làm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao tại cơ quan, đơn vị.
- Theo đánh giá của đồng chí, quy định nêu gương có ý nghĩa, tầm quan trọng thế nào trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, đặc biệt là với Đảng bộ Khối các cơ quan thành phố?
- Thực tế cho thấy, nêu gương là một trong 5 phương thức lãnh đạo của Đảng. Quy định nêu gương giống như lời cam kết chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên với chính mình và với toàn Đảng, toàn dân. Sự nêu gương của cán bộ trung ương sẽ tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ từ trên xuống dưới trong toàn hệ thống chính trị, tạo hiệu ứng tích cực trong toàn xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng trong tình hình hiện nay. Đặc biệt, khi những người lãnh đạo giữ trọng trách rất cao, có tầm ảnh hưởng rất lớn trong hệ thống chính trị gương mẫu, nêu gương sáng sẽ giúp củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.
Quy định nêu gương cũng khích lệ việc hoàn thiện, tự soi, tự sửa, tự điều chỉnh thái độ, hành vi; đồng thời răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo, phòng ngừa nguy cơ sai phạm của mỗi cán bộ, đảng viên. Làm tốt việc nêu gương sẽ góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên.
Với Đảng bộ Khối các cơ quan TP Hà Nội, việc gương mẫu, nêu gương của cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ sẽ tác động trực tiếp đến việc nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, sở, ban, ngành, đoàn thể của thành phố; tạo ra hiệu ứng tích cực lan tỏa trong toàn Đảng bộ thành phố. Từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển nhanh, bền vững.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.