(HNM) - UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 218/KH-UBND triển khai Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 2-3-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đô thị, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố. Dư luận kỳ vọng, cơ quan chức năng, chính quyền các cấp của thành phố sẽ nghiêm túc triển khai thực hiện kế hoạch, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong:
Kiên quyết không để phát sinh trường hợp nhà đất siêu mỏng, siêu méo
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đô thị, quản lý trật tự xây dựng, từ năm 2021, UBND thành phố Hà Nội ban hành Chuyên đề số 03 “Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh công tác cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố”. Từ đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã kịp thời tham mưu, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục tồn tại, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác cấp phép, quản lý trật tự xây dựng. Thời gian tới, bám sát Kế hoạch số 218/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội, Sở sẽ tăng cường kiểm tra bảo đảm trật tự, văn minh, mỹ quan đô thị; kiên quyết không để phát sinh trường hợp nhà đất siêu mỏng, siêu méo tại hai bên tuyến đường, nhất là đối với các tuyến phố mới, các dự án mở đường.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn:
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý
Thực hiện Kế hoạch số 218/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội, huyện Quốc Oai sẽ huy động các ban, ngành, đoàn thể cùng vào cuộc giám sát thực hiện quản lý đô thị, trật tự xây dựng; thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm xử lý những trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, gây mất mỹ quan đô thị; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý đô thị và trật tự xây dựng. Bên cạnh đó, huyện sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên đất công, đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, vi phạm hành lang bảo vệ công trình hạ tầng giao thông, lưới điện cao áp, thủy lợi, đê điều…
Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Nam Từ Liêm Hoàng Minh Hải:
Tăng cường công tác phối hợp, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự xây dựng
Thời gian qua, quận Nam Từ Liêm luôn quan tâm tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đô thị, trật tự xây dựng để đáp ứng yêu cầu công việc. Các tổ công tác cũng được thành lập và phối hợp chặt chẽ với các phường đẩy mạnh giám sát việc quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng và sẵn sàng xử lý những vấn đề phức tạp, phát sinh. Bên cạnh đó, quận đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nên nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc giữ gìn trật tự xây dựng, văn minh đô thị… ngày càng được nâng cao. Thời gian tới, quận sẽ đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị để thực hiện tốt công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự xây dựng.
Ông Nguyễn Việt Hùng, phường Kim Liên, quận Đống Đa:
Cần thu hồi ngay các dự án đầu tư xây dựng hệ thống giao thông tĩnh chậm tiến độ
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hiện nay, diện tích các điểm, bãi đỗ xe chỉ đáp ứng được khoảng 10% tổng nhu cầu đỗ xe tại khu vực nội thành, còn gần 90% số phương tiện đang đỗ tại các khu chung cư, lòng đường, vỉa hè, sân trường, đất trống tại những dự án chưa triển khai… Theo tôi, để giải bài toán này, thành phố Hà Nội cần dừng cấp phép xây dựng các chung cư cao tầng, khu nhà ở trong khu vực nội đô; ưu tiên lựa chọn các nhà đầu tư đủ năng lực tài chính để đầu tư xây dựng hệ thống giao thông tĩnh, đặc biệt là hệ thống bãi đỗ xe trong khu vực đô thị trung tâm. Đồng thời, cần rà soát, thu hồi ngay các dự án đầu tư xây dựng hệ thống giao thông tĩnh chậm tiến độ, dự án treo…
Bà Nguyễn Thu Uyên, phường Văn Quán, quận Hà Đông:
Tập trung xây dựng hạ tầng giao thông, đô thị tại khu vực ngoại thành
Hà Nội đang đứng trước những bất cập lớn về quy hoạch nhà ở và quy hoạch giao thông đô thị. Trong khi khu vực ngoại thành có diện tích rộng lớn nhưng quy hoạch giao thông, cơ sở hạ tầng lại chưa đồng bộ thì trái lại, khu vực nội đô lại tập trung quá đông dân cư, cơ quan, công sở, gây tình trạng ùn tắc giao thông, thiếu chỗ đỗ xe, môi trường sống ngột ngạt. Ngoài ra, nhiều người vẫn đang phải sống trong những ngôi nhà tạm, không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu. Người dân mong mỏi thành phố sẽ tập trung mở rộng xây dựng hạ tầng giao thông, đô thị tại khu vực ngoại thành, từ đó di dời các nhà máy, cơ quan, công sở ra khỏi nội đô, dịch chuyển dần cư dân ra khỏi “vùng lõi”, giảm những “gánh nặng” do mật độ dân cư cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.