(HNMO) - Cúm A/H7N9 là chủng cúm gia cầm mới bùng phát ở Trung Quốc từ tháng 3 vừa qua, khiến 23 người chết và 110 người nhiễm bệnh.
1. Chưa có bằng chứng virus H7N9 truyền từ người sang người
Đến thời điểm này, giới chuyên môn vẫn chưa có bằng chứng cho thấy virus H7N9 có thể truyền từ người sang người. Tuy nhiên, họ không loại bỏ khả năng virus này sẽ lây truyền theo cách trên trong tương lai.
2. Virus H7N9 cực kỳ nguy hiểm, có thể gây chết người
Keiji Fukuda, trợ lí Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, virus H7N9 dường như dễ dàng truyền nhiễm từ gia cầm sang người hơn virus H5N1 (từng gây ra dịch cúm gia cầm từ năm 2004 tới 2007, khiến 332 người tử vong trên toàn thế giới).
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho hay, cúm A/H7N9 có thể là trở thành một đại dịch nếu virus H7N9 biến đổi lây lan giữa con người và họ cũng đang chuẩn bị để ứng phó với tình huống này.
3. Nhiều vấn đề chưa thể lí giải về nguồn gốc cúm A/H7N9
Hiện tại, nguồn gốc và phương thức lây nhiễm virus H7N9 vẫn là những "ẩn số". Các nhà khoa học đã phân tích gen của virus H7N9 và nhận thấy nó có thể thích nghi để phát triển trên các động vật có vú (bao gồm cả con người). WHO hiện cũng đang đi theo giải thuyết này.
4. Nấu chín thực phẩm trước khi ăn có thể tiêu diệt virus
Ở nhiệt độ nấu chín thông thường, virus H7N9 sẽ bị chết. Các cơ quan y tế khuyến cáo người dân không ăn thịt tái, tiết canh...
5. Hạn chế đến các khu vực có nguồn lây nhiễm
CDC khuyến cáo hạn chế tiếp xúc với gia cầm cũng như các động vật khác và phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. CDC cho biết, hiện các hiệu thuốc và bệnh viện tư nhân vẫn chưa có biện pháp phân biệt cúm H7N9 với bất kỳ loại virus cúm khác một cách kịp thời. Theo hướng dẫn trên website của CDC thì bất cứ ai sốt, ho hoặc khó thở trong vòng 10 ngày kể từ khi du lịch đến Trung Quốc nên đi khám.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.