(HNMO) - Ngày 25-2, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn tăng cường phòng, chống bệnh cúm A (H5N1).
Theo đó, ngày 24-2, Sở nhận được công văn của Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh (trực thuộc Bộ Y tế) về tăng cường phối hợp giám sát bệnh viêm phổi nặng do vi rút.
Theo thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Cơ quan Đầu mối y tế quốc tế tại Việt Nam, tỉnh Prey Veng của Campuchia (có đường biên giới với các tỉnh Tây Ninh và Đồng Tháp của Việt Nam) đã ghi nhận 2 trường hợp xét nghiệm dương tính với vi rút gây bệnh cúm A (H5N1), trong đó có 1 bệnh nhi đã tử vong. Ngoài ra, còn một số ca khác nghi ngờ nhiễm.
Trước tình hình trên, Sở Y tế thành phố yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn triển khai giám sát chặt những người nhập cảnh đi và đến từ vùng có dịch cúm A (H5N1) và phối hợp với những trạm kiểm dịch động vật trong giám sát gia cầm, thủy cầm và Việt Nam qua cửa khẩu. Đồng thời, tăng cường truyền thông để người dân nắm và thực hiện phòng tránh dịch bệnh.
Các cơ sở y tế làm đầu mối phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch cúm gia cầm tại các địa phương của thành phố Hồ Chí Minh theo quy định; tổ chức tập huấn cho các trung tâm y tế cơ sở về công tác giám sát cúm A (H5N1) tại cộng đồng.
Các trung tâm y tế cấp huyện chủ động tham mưu các cấp chính quyền triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh viêm phổi nặng do vi rút tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng, nhất là những người về từ vùng dịch.
Các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường giám sát các ca bệnh viêm phổi từ sớm, phát hiện các ca diễn tiến bệnh bất thường, thực hiện hội chẩn với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh để chẩn đoán, cách ly, điều trị kịp thời, giảm thiểu tử vong.
Sở Y tế giao Bệnh viện Bệnh nhiệt đới bảo đảm nhân sự, trang thiết bị y tế, thuốc… để tiếp nhận cách ly, điều trị các trường hợp nghi ngờ nhiễm cúm A (H5N1).
Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, ngày 8-2-2023, WHO kêu gọi không được chủ quan và cần chuẩn bị các tình huống xấu có thể xảy ra khi có bất kỳ sự biến đổi nào của tác nhân gây bệnh. WHO khuyến cáo mọi người không nên tiếp xúc trực tiếp hoặc thu gom động vật hoang dã đã chết hoặc bị bệnh, thay vào đó, báo ngay cho chính quyền địa phương biết để xử lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.