(HNM) - Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2015 (diễn ra từ ngày 10-11 đến 10-12) và ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1-12) hướng tới mục tiêu là kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Tuy nhiên, trước không ít khó khăn và thách thức mà chương trình phòng, chống căn bệnh thế kỷ này đang phải đối mặt thì mục tiêu trên có quá xa vời?
Làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn là một trong những biện pháp hữu hiệu phòng, chống HIV/AIDS. Ảnh: Lê Tuấn |
Nhiều thách thức
"Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS" năm 2015 và ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS với chủ đề "Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam". Chủ đề này hướng tới 90% số người có HIV biết tình trạng HIV của bản thân; 90% số người biết tình trạng có HIV được điều trị ARV (thuốc kháng virus) liên tục suốt đời và 90% số người điều trị ARV duy trì tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế. Tuy nhiên, theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương trên cả nước, các chỉ tiêu hiện tại của Việt Nam còn một khoảng cách khá xa so với các mục tiêu 90-90-90 mà Liên hợp quốc đề ra. Cụ thể, với mục tiêu 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng có HIV, Việt Nam đã đạt được khoảng 78%. Tuy nhiên, kết quả thực hiện mục tiêu 90% người có HIV được điều trị ARV quá thấp so với thực tế. Đặc biệt, mục tiêu 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định thời gian qua, Việt Nam chưa có điều kiện tổ chức xét nghiệm thường quý nên chưa có số liệu chính xác.
Đề cập những khó khăn và thách thức trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Nguyễn Hoàng Long cho biết: Mỗi năm, nước ta vẫn có khoảng 12.000 người có HIV mới và 2.000-3.000 trường hợp tử vong do AIDS. Nhóm người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV vẫn ở mức cao. Chính vì vậy, HIV/AIDS vẫn đang là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở nước ta. Số lũy tích HIV dương tính tiếp tục tăng cao, trên 200.000 người có HIV cần được chăm sóc, điều trị thường xuyên, liên tục, suốt đời. Tuy nhiên, mức độ bao phủ của chương trình còn hạn chế. Công tác dự phòng, can thiệp giảm tác hại đến xét nghiệm và điều trị đều chưa đạt mức có thể khống chế được đại dịch HIV/AIDS. Mặt khác, nguồn lực cho phòng, chống căn bệnh thế kỷ này chủ yếu dựa vào viện trợ quốc tế và đang bị cắt giảm nhanh, trong khi các nguồn tài chính trong nước chưa kịp bù đắp...
Truyền thông góp phần nâng cao nhận thức phòng chống HIV/AIDS. Ảnh: Lê Tuấn |
Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Long, việc điều trị bằng thuốc kháng virus ARV không những giúp người có HIV tăng khả năng hồi phục hệ thống miễn dịch, giảm tử vong, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn giảm đến 90% khả năng lây lan HIV ra cộng đồng. Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, người có HIV nếu được điều trị sớm bằng ARV và tuân thủ điều trị tốt, sẽ đạt được tuổi thọ tương đương người bình thường. Một nghiên cứu của quốc tế cũng cho thấy, nếu đầu tư 1 USD cho ARV thì sẽ giảm được 7 USD cho xã hội. Việt Nam bắt đầu điều trị ARV từ năm 2004 và đến nay đã cán đích điều trị ARV cho 100.000 bệnh nhân. Hiện Việt Nam đang có chủ trương mở rộng và điều trị sớm cho người có HIV. Tuy nhiên, theo lộ trình, từ tháng 3-2016, nhà tài trợ sẽ không tiếp nhận bệnh nhân có HIV mới, trong khi mỗi năm Việt Nam có khoảng 800-1.000 bệnh nhân có HIV mới phải điều trị bằng thuốc ARV. Đến hết năm 2017, khoản viện trợ này sẽ chấm dứt hoàn toàn, người bệnh sẽ phải tự bỏ chi phí điều trị nếu không có BHYT. "Nếu không sớm có kế hoạch tài chính bền vững để duy trì việc điều trị HIV bằng thuốc ARV liên tục và ổn định, nguy cơ đại dịch bùng phát sẽ trở lại, thậm chí còn nguy hiểm hơn trước vì virus có thể đột biến và kháng thuốc ARV khi việc điều trị bị gián đoạn", ông Nguyễn Hoàng Long lo ngại.
BHYT - "phao cứu sinh" cho người có "H"?
Việc các tổ chức quốc tế cắt giảm tài trợ thuốc ARV điều trị cho người có HIV đang đặt ra thách thức lớn cho Việt Nam khi hơn 90% bệnh nhân đang được điều trị miễn phí. BHXH Việt Nam đã quyết định sẽ chi trả tiền thuốc ARV cho các bệnh nhân nhưng hiện chỉ có khoảng 30% người có HIV tham gia BHYT. Việc triển khai BHYT cho người có HIV gặp không ít khó khăn. Bởi vì ngay cả khi có thẻ BHYT, nhiều người không sẵn sàng dùng thẻ vì sợ lộ danh tính, bị kỳ thị. Thêm vào đó, đa phần người có HIV đều trong tình cảnh khó khăn về kinh tế. Do đó, việc mua thẻ BHYT và cùng đồng chi trả 20% chi phí điều trị cũng là rào cản đối với họ. Chính vì vậy, ý thức tham gia BHYT của người có HIV chưa cao.
Tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hoàng Đức Hạnh cho biết, đang tổ chức rà soát số lượng người có HIV/AIDS chưa được cấp thẻ BHYT cũng như tăng cường công tác truyền thông để người có HIV/AIDS nhận thức được tầm quan trọng của việc tham gia BHYT trong khám và điều trị bệnh, đồng thời giảm kỳ thị phân biệt đối xử của cộng đồng với những người có HIV để họ không sợ lộ danh tính khi đăng ký tham gia BHYT.
Còn theo ông Nguyễn Hoàng Long, cần có cơ chế đặc thù để những người có HIV đều có thể tham gia BHYT. Bên cạnh đó, kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS để người có HIV dễ tiếp cận khi tham gia BHYT, đồng thời nâng cao năng lực cán bộ y tế trong hệ thống y tế công, tư về chăm sóc và điều trị, thiết lập hệ thống cung ứng thuốc ARV và các sinh phẩm xét nghiệm liên tục, bảo đảm chất lượng và giá thành hợp lý. Mặt khác, để thực hiện thành công mục tiêu 90-90-90, tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030, cần quyết liệt triển khai toàn diện các dịch vụ từ dự phòng, chẩn đoán, chăm sóc, điều trị, đến tăng cường truyền thông thay đổi hành vi, mở rộng phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, điều trị Methadone, trong đó tập trung ưu tiên vào các địa bàn có tình hình dịch HIV và có nguy cơ xuất hiện dịch HIV cao.
Hiện Việt Nam có khoảng 227.000 người có HIV, trong đó số bệnh nhân được điều trị ARV vẫn còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn - dưới 50%. Tới đây, Việt Nam sẽ nâng ngưỡng bắt đầu điều trị ARV cho người có HIV theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tương đương các nước phát triển, tức là nâng lên ngưỡng 500 tế bào CD4/mm3 máu và điều trị ngay ARV khi phát hiện có HIV không phụ thuộc CD4 cho các đối tượng có HIV nguy cơ cao, phụ nữ mang thai có HIV, người có HIV ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.