(HNM) - Các cơ quan thực thi luật pháp ở nhiều bang của Mỹ đã thông báo mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với mạng xã hội Facebook nhằm tìm hiểu xem liệu trang mạng xã hội “đình đám” này có kìm hãm sự cạnh tranh và khiến người sử dụng gặp rủi ro hay không. Các nhà phân tích nhận định đây mới là bước đi tiếp theo trong “làn sóng” kiểm soát sự thống trị của các công ty công nghệ lớn đối với nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng của nước Mỹ.
Theo thống kê, bình quân trong tháng 6-2019, số lượng người sử dụng Facebook trong 1 ngày là 1,59 tỷ người, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu quý I-2019 cũng tăng 28%, đạt 16,9 tỷ USD, vượt con số 16,5 tỷ USD như ước tính của các chuyên gia.
Tuy nhiên, dù có ảnh hưởng rất lớn ở nhiều nước nhưng trang mạng xã hội này cũng nhận nhiều chỉ trích vì cho phép lưu hành các nội dung sai lệch và thông tin giả. Trước tin tức về việc bị điều tra lần này, Facebook đã từng nằm trong “tầm ngắm” của Ủy ban Thương mại liên bang liên quan đến việc chia sẻ dữ liệu của 87 triệu người dùng với Công ty Tư vấn chính trị Cambridge Analytica của Anh.
Được xem là những tập đoàn giàu có và quyền lực nhất thế giới nhưng các công ty công nghệ Mỹ hiện đang phải đối mặt với sự giám sát chống độc quyền ngày càng kỹ lưỡng từ Quốc hội, các cơ quan liên bang và giờ đây là bộ phận tư pháp của các bang. Theo ông Michael Carrier, Giáo sư chuyên về luật chống độc quyền tại Đại học Rutgers (Mỹ), cuộc điều tra mới cho thấy mức độ “khó chịu” với các công ty công nghệ lớn đã vượt ra ngoài Quốc hội Mỹ và lan rộng đến các cơ quan chính phủ cũng như chính quyền của từng bang.
Đơn cử như hồi tháng 7-2019, Bộ Tư pháp Mỹ đã mở một cuộc điều tra quy mô lớn về những “gã khổng lồ” công nghệ, tập trung vào việc liệu những công ty này có thực hiện các hoạt động chống cạnh tranh hay không. Cuộc điều tra được cho là nhắm vào Google, Amazon, Facebook và Apple. Trong đó, Google từng bị cáo buộc độc quyền và hồi năm 2013, trang tìm kiếm này đã phải dàn xếp một khoản bồi thường xuất phát từ một cuộc điều tra của Ủy ban Thương mại liên bang. Google cũng từng bị Liên minh châu Âu (EU) phạt nhiều lần vì độc quyền, lần gần đây nhất là 1,5 tỷ euro vào tháng 3-2019. Song, đây chưa phải là những “tội danh” cuối cùng.
Giáo sư ngành Luật Maurice Stucke thuộc Đại học Tennessee (Mỹ) cho biết, ông hy vọng một trong những lĩnh vực sẽ được điều tra là thị trường quảng cáo trực tuyến vốn bị chi phối bởi Google và Facebook. Theo ông Stucke, đây là một lĩnh vực quan trọng cần phải xem xét vì từ lâu đã bị chỉ trích là không minh bạch. Ngoài ra, hai tên tuổi lớn khác là Amazon và Apple cũng đã bị “để mắt”. Giới quan sát nhiều lần phàn nàn rằng vị thế của Amazon trong ngành bán lẻ trực tuyến là quá lớn, còn Apple có thể gây bất lợi cho các đối thủ tham gia cung cấp dịch vụ cạnh tranh với họ trên nền tảng của ứng dụng App Store.
Luật Chống độc quyền của Mỹ luôn tìm cách thúc đẩy cạnh tranh công bằng. Đạo luật Clayton có từ năm 1914 cho phép Chính phủ ngăn chặn các vụ sáp nhập sẽ gây hại cho người tiêu dùng. Trước đó, Đạo luật Sherman được thông qua vào năm 1890 cũng nghiêm cấm các âm mưu cố định giá và những thỏa thuận khác nhằm kiểm soát cạnh tranh. Các chuyên gia nhận định đó là những cơ sở pháp lý có thể áp dụng khi điều tra các tập đoàn công nghệ hàng đầu nước Mỹ.
Dẫu vậy, một số nhà phân tích cho rằng các vụ kiện kiểu này sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Nhưng quy mô và sức mạnh ngày càng lớn của những “gã khổng lồ” công nghệ đã làm tăng thêm sự lo lắng cho môi trường kinh doanh và dư luận Mỹ cho rằng các quy định mạnh mẽ hơn là cần thiết để các “ông lớn” phải hoạt động đúng luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.