Mạng xã hội là phương tiện quảng bá hiệu quả cho nghệ thuật. Bộ phim điện ảnh “Đào, phở và piano” là một ví dụ.
Dù không có kinh phí quảng bá và phát hành phim, nhưng bộ phim bất ngờ tạo nên cơn “sốt vé”. Sau hơn một tháng khởi chiếu, theo đơn vị thống kê phòng vé độc lập Box Office Vietnam, “Đào, phở và piano” đạt doanh thu hơn 16,3 tỷ đồng, vượt xa kỳ vọng ban đầu, trở thành phim do Nhà nước đặt hàng có doanh thu cao nhất từ trước đến nay.
Bên cạnh chủ đề, nội dung tốt, một yếu tố quan trọng tạo nên hiện tượng phòng vé của bộ phim này là sự lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội. Từ một bài bình luận đăng tải trên một nhóm về điện ảnh mà nhiều người dùng mạng xã hội biết về phim, thử đi xem, chia sẻ cảm nhận, đánh giá, làm video, ảnh về tác phẩm, tạo ra một làn sóng chú ý lớn. Sự lan truyền này đã kích thích tâm lý sợ bị bỏ lỡ của nhiều người, nhất là người trẻ, khiến họ muốn xem phim để không bị lạc hậu.
Tương tự như vậy, cũng nhờ mạng xã hội mà nhiều tác phẩm nghệ thuật như vở kịch “Tấm Cám”, “Thị Nở - Chí Phèo” (Sân khấu Lệ Ngọc); vở opera “Những người khốn khổ” (Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam); ca khúc “See tình” (Hoàng Thùy Linh); “Về nhà”, “Nấu ăn cho em” (Đen)… được lan tỏa đến đông đảo công chúng. Tất nhiên, để được khán giả yêu thích và khiến họ chịu bỏ tiền để thưởng thức, bản thân tác phẩm phải có chất lượng nghệ thuật tốt, nếu không, có thể gây hiệu ứng ngược, tạo làn sóng “tẩy chay”…
Qua thành công của nhiều tác phẩm nghệ thuật nhờ mạng xã hội, các nhà sản xuất nên tính toán phân bổ nguồn lực đầu tư quảng bá trên kênh nhiều tiềm năng này. Đặc biệt, các tác phẩm nghệ thuật được Nhà nước đặt hàng, dù có chất lượng tốt, có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật nhưng nếu không đầu tư quảng bá, trong đó gồm các kênh mạng xã hội, sẽ khó tạo được hiệu quả tích cực như mong đợi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.