Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và phát triển không ngừng, việc giữ vững trật tự, kỷ cương, thượng tôn pháp luật là điều kiện tiên quyết để xây dựng xã hội văn minh, an toàn và bền vững.
Tuy nhiên, những nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực này thường xuyên bị các thế lực thù địch xuyên tạc, bóp méo nhằm gây hoài nghi trong dư luận.
1. Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đã có nhiều hành động quyết liệt trong việc phòng, chống vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, buôn lậu, trốn thuế và vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng.
Lực lượng chức năng đã liên tiếp mở các đợt cao điểm tấn công tội phạm. Nhiều vụ án lớn về sản xuất, buôn bán hàng giả quy mô công nghiệp đã bị triệt phá. Các đường dây buôn lậu, trốn thuế tinh vi bị phát hiện và xử lý, trong đó có không ít đối tượng “núp bóng” dưới các danh xưng tưởng chừng hợp pháp, nhưng thực chất là vỏ bọc cho các hoạt động phi pháp.
Đặc biệt, các vụ làm giả sữa, thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân đã bị phanh phui và xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại qua biên giới, cảng biển, sân bay vẫn diễn biến phức tạp, gây thất thu ngân sách và làm méo mó môi trường cạnh tranh.
Trong lĩnh vực giao thông, các trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm về tốc độ, lấn làn đường, vượt đèn đỏ, và đặc biệt là vi phạm quy định về nồng độ cồn đang là nguyên nhân gây ra hàng nghìn vụ tai nạn mỗi năm. Lực lượng Cảnh sát giao thông đã tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt là hành vi sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện.
Tại các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, chính quyền đã ra quân xử lý mạnh tay các hành vi vi phạm trật tự đô thị như lấn chiếm vỉa hè, xây dựng trái phép, gây rối trật tự công cộng, vi phạm vệ sinh môi trường, an toàn phòng cháy, chữa cháy... Những nỗ lực này bước đầu tạo chuyển biến tích cực, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh sự ủng hộ từ số đông, vẫn tồn tại một số tiếng nói lạc lõng, cố tình xuyên tạc các chính sách, cho rằng việc siết chặt kỷ luật, trật tự xã hội là “bóp nghẹt đời sống nhân dân”, "hạn chế quyền tự do", "gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh"... Các trang mạng phản động như Việt Tân, Thoibao.de và một số cá nhân, tổ chức đã lợi dụng mạng xã hội để phát tán thông tin sai lệch, gây nhiễu loạn nhận thức, làm lung lay niềm tin của một bộ phận người dân, nhất là những người thiếu thông tin.
2. Cần nhìn nhận rõ: Việc siết chặt kỷ cương không phải là "bóp nghẹt tự do" mà là hành động thể hiện đúng chức năng của một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vì nhân dân phục vụ.
Buôn lậu và sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái không chỉ khiến ngân sách thất thu mà còn đe dọa trực tiếp quyền lợi và sức khỏe của người dân. Nhiều người tiêu dùng bỏ tiền thật mua phải hàng kém chất lượng, thậm chí nguy hại đến tính mạng. Với doanh nghiệp chân chính, đây là mối đe dọa lớn, làm giảm doanh thu, mất uy tín, có thể dẫn đến phá sản vì bị cạnh tranh không lành mạnh.
Việc Nhà nước kiên quyết xử lý là để bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo công bằng giữa các doanh nghiệp. Đây không chỉ là yêu cầu khách quan mà còn là sự mong đợi của đông đảo người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực giao thông và trật tự đô thị, xử lý nghiêm vi phạm là cách Nhà nước bảo đảm quyền được sống an toàn, văn minh cho mọi người. Vi phạm giao thông không chỉ gây nguy hiểm cho chính người vi phạm mà còn cướp đi sức khỏe, tính mạng của người khác. Tương tự, lấn chiếm vỉa hè, gây rối trật tự công cộng ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của người dân cũng như trật tự an toàn xã hội.
Một xã hội văn minh là xã hội mà mọi công dân sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Khi vi phạm bị xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, ý thức pháp luật sẽ được nâng cao trong mỗi người. Từ đó, tạo nên một xã hội công bằng, nơi mỗi người đều chịu trách nhiệm với hành vi của mình trước cộng đồng. Điều này góp phần xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng trước pháp luật. Đây là nền tảng vững chắc để xây dựng một xã hội phát triển văn minh, kỷ cương, bền vững.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc bảo đảm kỷ luật, kỷ cương còn góp phần nâng cao hình ảnh quốc gia. Một Việt Nam minh bạch, nghiêm túc trong thực thi pháp luật sẽ tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài, thúc đẩy thu hút vốn, phát triển kinh tế - xã hội.
Những luận điệu cho rằng siết kỷ cương là "gây khó cho dân" rõ là phiến diện, phản khoa học. Tự do không đồng nghĩa với việc muốn làm gì thì làm. Tự do phải đi kèm trách nhiệm và giới hạn - dừng lại khi đụng chạm đến quyền và lợi ích của người khác. Quản lý chặt chẽ hơn là để bảo đảm tự do đích thực cho số đông.
3. Để không bị cuốn theo những luận điệu sai trái, thiếu khách quan, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng cần thiết để nhận diện và phản bác những thông tin độc hại.
Trước hết, cần nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật. Mỗi công dân cần chủ động tìm hiểu và nắm vững các quy định của pháp luật liên quan đến mọi mặt đời sống xã hội. Khi có kiến thức pháp luật vững chắc, chúng ta sẽ có cơ sở để đánh giá các hành vi, các chính sách một cách khách quan, tránh bị dẫn dắt bởi những thông tin sai lệch, tiêu cực. Đồng thời, mỗi người dân cần tỉnh táo chọn lọc thông tin.
Trong kỷ nguyên bùng nổ thông tin như hiện nay, việc phân biệt thông tin thật - giả là vô cùng quan trọng. Tiếp nhận mỗi thông tin, chúng ta nên biết cách kiểm tra nguồn tin, đối chiếu thông tin từ nhiều kênh chính thống, uy tín trước khi tin tưởng và chia sẻ. Cần tránh xa những trang mạng xã hội không rõ nguồn gốc, những tài khoản ẩn danh chuyên đăng tải thông tin giật gân, xuyên tạc.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng cần nêu cao trách nhiệm trong ứng phó với vấn đề này, cần tăng cường định hướng dư luận, tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về ý nghĩa, mục đích của việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật xã hội. Đặc biệt, cán bộ, đảng viên phải là những người tiên phong, gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật, không chỉ trong công tác mà còn trong cuộc sống hằng ngày.
Sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên sẽ tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và tính nghiêm minh của pháp luật. Khi cán bộ, đảng viên chấp hành nghiêm, kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm thì người dân sẽ noi theo, “hữu xạ tự nhiên hương” tạo thành phong trào rộng khắp trong xã hội. Sự gương mẫu trong cả công việc lẫn cuộc sống thường nhật chính là minh chứng thuyết phục nhất, lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật trong cộng đồng.
Ngoài ra, không được thụ động trước các luận điệu xuyên tạc. Đảng viên, tổ chức Đảng và người dân cần kiên quyết, mạnh dạn phản bác kịp thời, đưa ra lập luận rõ ràng để “dập tắt” những quan điểm lệch lạc. Sự đồng thuận, ủng hộ chính sách đúng đắn cần được thể hiện bằng lời nói, hành động cụ thể để lan tỏa chính nghĩa. Chúng ta cần chủ động lên tiếng phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc. Sự đồng tình, ủng hộ những hành động đúng đắn của cơ quan nhà nước cần biến thành lời nói, hành động có sức mạnh đẩy lùi những thông tin xấu độc.
Việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật xã hội không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là xu thế của mọi quốc gia văn minh. Đó là minh chứng cho trách nhiệm của Nhà nước với người dân. “Có kỷ cương, mới có bình yên”, sự thật này cần được nhận thức đúng đắn và lan tỏa trong toàn xã hội. Khi mỗi người dân đều tỉnh táo, đồng lòng ủng hộ, thì dù kẻ xấu có tinh vi, xảo quyệt đến đâu, âm mưu chống phá của chúng cũng sẽ thất bại.
Đất nước đang chuyển mình bước vào kỷ nguyên mới. Thống nhất được khát vọng, tầm nhìn phát triển; chủ động đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch là những nhân tố quan trọng để đoàn kết, chung tay xây dựng quốc gia hùng cường, xã hội phồn vinh, nhân dân hạnh phúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.