Nâng hiệu quả kiểm soát chất lượng thực phẩm; Cơ hội bứt phá và tỏa sáng trong kỷ nguyên mới; Xoáy vào bất cập, lại lộ... “tim đen”!; Cảnh giác trước thông tin "đổi hộ chiếu, căn cước công dân"; Bỏ room tín dụng - cần có lộ trình… là những thông tin đáng chú ý trên báo in Hànộimới số ra ngày 9-7-2025.
Ngày 8-7, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ hai mươi lăm (kỳ họp thường lệ giữa năm 2025) để xem xét tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, kỳ họp được tổ chức ngay sau khi thành phố và cả nước đã hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng 7,63% (GDP cả nước ước đạt 7,52%), cao hơn cùng kỳ năm 2024 (6,13%) và vượt kịch bản đề ra (7,59%); quý I tăng 7,56%, quý II tăng 7,69%, dự báo quý III đạt 8,18% và quý IV đạt 8,53%, bảo đảm hoàn thành mục tiêu 8% cả năm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị, thời gian tới, thành phố cần có các giải pháp tạo đột phá, đổi mới mô hình tăng trưởng; tập trung ưu tiên nguồn lực để thực hiện thành công các đột phá chiến lược, tháo gỡ những ách tắc, điểm nghẽn về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực.
Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội đã hoàn thiện quy trình chuỗi khép kín cho khoảng 53 chuỗi chăn nuôi, góp phần truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, ổn định nguồn cung thực phẩm an toàn tiêu thụ qua hệ thống chuỗi và thông qua các cửa hàng tiện ích, mang đến các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Tạ Văn Tường chỉ đạo, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục hỗ trợ các địa phương xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ khép kín, góp phần tổ chức lại ngành chăn nuôi, gắn kết sản xuất với thị trường tiêu thụ.
Đánh giá cơ hội phát triển mới cho du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, công cuộc sắp xếp đơn vị hành chính đang mở ra những cơ hội rất lớn để các địa phương mở rộng tài nguyên về thiên nhiên, văn hóa, từ đó làm nguồn lực để phát triển du lịch.
“Với vị thế đã được khẳng định, trong kỷ nguyên mới, ngành Du lịch cần tiếp tục kế thừa, phát huy bản lĩnh, tinh thần nỗ lực vượt khó; đổi mới mạnh mẽ tư duy, nhận thức, cách làm; triển khai hiệu quả công tác quản lý nhà nước, xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm, tăng cường liên kết hợp tác, thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo... để đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng bày tỏ.
Những ngày qua, nhiều kẻ phá hoại đã tập trung xoáy vào tấn công một số "điểm nóng" ban đầu trong sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, điển hình là sự gia tăng số lượng nhân sự, đặc biệt là cấp phó, tại một số sở, ban, ngành ở các tỉnh, thành phố hợp nhất từ 2-3 đơn vị hành chính cấp tỉnh vào với nhau.
Trên quan điểm chỉ đạo chung của Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TƯ, Bộ Nội vụ đã có những hướng dẫn cụ thể, lộ trình rõ ràng để thực hiện việc sắp xếp cán bộ dôi dư và số lượng cấp phó.
Và trên hết, mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong hệ thống chính trị, cần thể hiện trách nhiệm cao nhất, nỗ lực không ngừng để chung tay, đóng góp xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, gần dân, thực sự là nền hành chính phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo, nơi cán bộ, công chức chuyển từ “làm hết trách nhiệm” sang “làm đến nơi, đến chốn”.
Mấy ngày qua, trên các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok, nhiều người bày tỏ lo lắng sẽ gặp trục trặc khi đi nước ngoài nếu không làm lại hộ chiếu và căn cước công dân. Không ít tài khoản đã mập mờ tung tin là tuy không bắt buộc, nhưng cần làm lại cho đỡ phức tạp.
Liên quan đến phản ánh của người dân, đại diện Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, không có quy định nào bắt buộc phải đổi hộ chiếu nếu vẫn còn thời hạn sử dụng hợp lệ.
Câu chuyện “nóng” trong những ngày gần đây là nên hay không nên bỏ ngay hạn mức tín dụng tối đa (room tín dụng) cho các ngân hàng.
Theo các chuyên gia, room tín dụng cho các ngân hàng được ví như chiếc “van” kiểm soát cung tiền ra nền kinh tế. Bởi nhìn lại thời điểm trước đây, khi tín dụng tăng trưởng “nóng”, có thời điểm vượt 30% gây ra nhiều hệ lụy và rủi ro với hệ thống ngân hàng nói riêng, cũng như cả nền kinh tế nói chung.
Việc Ngân hàng Nhà nước triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng được coi là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.