(HNMCT) - Nhiều truyện ngắn trong tập Dòng sông cuộn chảy (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 6-2020) của Trần Thế Tuyển tôi đọc đã lâu, đọc nhiều lần, nhưng hôm nay xem lại vẫn giữ được cảm xúc như trước.
Phải chăng các câu chuyện ám ảnh ở chất liệu chắt lọc từ cuộc chiến tranh giải phóng và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, nghiêng về những kỷ niệm vô cùng sâu sắc trong thời gian mặc áo lính mấy chục năm, xen lẫn với cuộc sống những năm tháng hòa bình nhưng còn đó bao nhiêu nỗi niềm.
Có lẽ quan niệm của Trần Thế Tuyển về độ dài thời gian và không gian trong truyện không hề khắt khe. Anh cứ viết theo câu chuyện diễn ra như nó vốn có và với cảm xúc riêng, giọng văn báo chí, tân văn, khi điềm đạm, trầm mặc tưởng nhớ những hy sinh, mất mát, lúc dạt dào tình đồng chí, tình yêu đôi lứa hợp tan trong kháng chiến. Những câu chuyện rất thật, tác giả chính là người trong cuộc hoặc lấy ngôi kể chuyện là nhân vật. Hiện thực trong những câu chuyện khiến ta như đắm mình vào trang sách.
Trần Thế Tuyển không bi quan trước biến đổi của nhân tình thế thái. Anh nhìn đời theo hướng tích cực. Trong truyện Ngày và đêm, khi người thương binh bị mất hai chân ở chiến trường biên giới trở về hậu phương, mối tình giữa anh với cô gái tên Hoa vẫn được tiếp nối để rồi họ có thêm một thiên thần. Qua biết bao đau thương nhưng rồi tình yêu đã chắp cánh cho họ đến chân trời hạnh phúc. Không chỉ riêng Ngày và đêm mà nhiều truyện khác, tác giả dựng nên bối cảnh ngặt nghèo, buộc nhân vật thử thách.
Phần lớn các truyện ngắn trong tập này đều kết thúc có hậu. Cuộc đời có hậu vốn là mong ước của người Việt chúng ta. Đấy phải chăng là tấm lòng, là cái tâm của tác giả đối với cuộc sống con người.
Sau khi miền Nam giải phóng, những người từng cộng tác với chế độ cũ đi học tập cải tạo để hiểu được đường lối chính sách của chế độ mới để hòa nhập, đó là lẽ tưởng như đương nhiên. Dĩ nhiên gia đình họ luôn mặc cảm về thành phần lý lịch. Họ luôn đặt câu hỏi con cái có được trọng dụng trong cơ chế chính quyền mới không. Nhưng rồi thời gian đã trả lời: Sau gần nửa thế kỷ đất nước thống nhất, cái gọi là chủ nghĩa lý lịch hầu như không còn nữa, con cháu của những người từng làm trong chế độ cũ đã vươn lên và nhiều người đã là cán bộ trong chính quyền hôm nay. Truyện Hằng của Trần Thế Tuyển viết từ mấy chục năm trước cũng là nhận định, mong muốn đúng đắn.
Truyện Thầy Long của tôi kể về một người thầy của tác giả thời học cấp 2, sau đó thầy trò gặp nhau ở chiến trường. Biết bao biến cố nhưng tình thầy trò vẫn giữ nguyên. Số phận của người giáo viên có những bất trắc, nhưng tính cách của ông vẫn vậy, và câu chuyện vẫn kết thúc có hậu. Đời người là thế, có mất, có được, điều quan trọng là cách đối nhân xử thế. Đó chính là văn hóa.
Có nhiều truyện Trần Thế Tuyển đổi mới cách viết. Truyện Kỷ niệm về anh ấy do nhân vật nữ kể chuyện mối tình đầu của mình ở thôn quê với sự hồn nhiên, trong sáng. Sau đó họ không nên duyên vợ chồng do sự hiểu nhầm. Cô gái thành vợ người khác, khi sinh con thứ ba thì phải vào bệnh viện quân đội nơi người yêu cũ hiện là bác sĩ. Người bác sĩ ấy đã giúp sản phụ mẹ tròn con vuông, sau đó anh đã hy sinh khi cấp tốc sang làm nghĩa vụ quốc tế ở nước bạn láng giềng. Một cốt truyện như vậy lẽ ra tác giả khai thác triệt để hơn nữa để thành một truyện dài. Nhưng Trần Thế Tuyển chỉ viết khơi gợi để đọc giả nghĩ tiếp.
Trần Thế Tuyển khai thác rất nhiều mô típ gặp lại. Đồng đội cũ gặp lại nhau, cán bộ chiến sĩ gặp lại nhân dân từng cưu mang mình. Đó phải chăng là sự tri ân đối với những người đã cưu mang anh trong những năm tháng đánh giặc.
Truyện ngắn của Trần Thế Tuyển nặng về tình cảm. Tình cảm đồng đội, đồng chí, tình nghĩa với nhân dân, đất nước, tình yêu đôi lứa. Đây chính là ký ức đẹp trong chặng đường dài dân tộc ta đã trải qua. Đối với người chiến sĩ giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, ký ức ấy như dòng sông cuộn chảy không ngừng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.