Tiếp tục đề tài miền núi đã trở thành dấu ấn, nhà văn Ma Văn Kháng vừa ra mắt bạn đọc tập truyện ngắn có tựa đề “Chim trời bay về sau cơn mưa”, do Nhà Xuất bản Phụ nữ Việt Nam ấn hành.
“Chim trời bay về sau cơn mưa” dày 244 trang, gồm 10 truyện ngắn với hai đề tài quen thuộc miền núi Tây Bắc và những câu chuyện về sự biến chuyển của cảnh vật, con người trong cuộc sống hiện đại.
Trong đó, “Dưới những bóng cau”, “Bài ca Trăng sáng”, “Hạng A Tráng”, “Mùa gặt ở Na Lin”, “Vợ chồng Mìn và những đứa con”, “Bên bờ suối Vạch” là những truyện ngắn cho thấy cảm hứng bất tận của nhà văn với vùng núi Tây Bắc, nơi ngay từ lần đầu ông đặt chân đến đã say mê từ thiên nhiên đến cảnh vật, con người.
Các truyện ngắn này ghép thành một bức tranh nhiều màu sắc và đẹp đẽ về giai đoạn cuối những năm kháng chiến chống Mỹ đến tận sau giải phóng ở mảnh đất Lào Cai. Chọn lựa giai đoạn 1970-1980 này, tập truyện nhấn vào sự thay đổi, biến động của hoạt động cách mạng cũng như cách nhìn nhận về cuộc sống và thời cuộc của những dân tộc miền núi nơi đây. Ở họ vẫn toát lên tinh thần đấu tranh mãnh liệt, chân thành và anh dũng cho đất nước, vẫn hướng mình tới những đổi mới sau khi giải phóng với ước mong cuộc sống tốt đẹp trong niềm tin vào Đảng, Nhà nước. Họ cũng giữ gìn những phong tục, tập quán truyền thống, lấy đó làm nguồn lực tinh thần, làm giá trị cốt lõi để tiếp nhận thời đại mới.
Rời xa miền núi Tây Bắc, nhà văn Ma Văn Kháng dẫn dắt người đọc vào hành trình ngược không gian và thời gian trong tâm trí những con người đã đi qua một thời kháng chiến anh hùng, bom đạn khốc liệt của đất nước, kể về những người chiến sĩ, người con anh dũng đã hy sinh, những nhân tài đất nước qua những truyện “Thành phố miền biên”, “Những ngày xa xưa”…
Những trang viết của nhà văn Ma Văn Kháng khi thì hướng đến khắc tả thiên nhiên, văn hóa, lễ hội… phong phú, đặc sắc, khi lại trầm lắng, đầy chiêm nghiệm về cuộc sống, đặc biệt luôn thấm đẫm niềm tin, hy vọng vào tình người…
Nhà văn Ma Văn Kháng sinh năm 1936, tại Hà Nội. Ông là nhà văn nổi bật của nền văn học đương đại Việt Nam nửa sau thế kỷ XX, đặc biệt từ khi bắt đầu thời kỳ Đổi mới.
Ông đã sáng tác hơn 20 tiểu thuyết, gần 200 truyện ngắn, phần lớn lấy cảm hứng từ sử thi và thế sự, đời tư, đề cập phần nhiều đến cuộc sống và con người vùng Tây Bắc. Các tác phẩm của ông được đông đảo công chúng biết đến do được trích dẫn trong chương trình giảng dạy phổ thông.
Ông từng đạt nhiều giải thưởng văn học lớn trong nước và quốc tế, tiêu biểu như: Giải thưởng Văn học ASEAN năm 1998, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2001, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật năm 2012.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.