(HNM) - Năm 2020, khoảng 1,348 triệu người lao động ở nước ta được giải quyết việc làm. Tuy nhiên, dịch Covid-19 cũng tước đi cơ hội tham gia lao động của hơn 1 triệu người. Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng đã và đang triển khai nhiều giải pháp "mở lối" cho thị trường lao động phát triển, giúp người dân tiếp cận với cơ hội việc làm bền vững trong thời gian tới.
Giảm cơ hội việc làm
Nhiều đơn vị, doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh hoặc tạm dừng hoạt động, phá sản, giải thể do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dẫn đến sự biến động của thị trường lao động.
Ở trong nước, mặc dù các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động cũng như người sử dụng lao động vượt qua giai đoạn khó khăn, nhưng thị trường lao động, việc làm không sôi động.
Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Vũ Trọng Bình thông tin, năm 2020, cả nước giải quyết việc làm cho 1,27 triệu người. Cùng với đó, tổ chức đẩy mạnh đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Tống Hải Nam, nhiều thị trường đã, đang tạm dừng tiếp nhận lao động là người nước ngoài. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng và các địa phương đã tổ chức đưa được hơn 78.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Như vậy, tổng cộng trong năm 2020, khoảng 1,348 triệu người lao động được giải quyết việc làm. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp, nên nhìn chung cơ hội việc làm giảm, nhiều người khó tìm được việc làm chất lượng. Chị Lê Thị Thu Thảo, tổ dân phố 6, phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) chia sẻ: “Sau khi bị mất việc làm tại một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch từ tháng 7-2020, tôi đi phỏng vấn tuyển dụng ở nhiều nơi, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được việc làm”.
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, gần 1,2 triệu người lao động ở nước ta bị thiếu việc làm trong năm 2020, và số lao động đang thất nghiệp là 1,2 triệu người.
Dù vậy, một thông tin tích cực là thị trường lao động trong quý IV-2020 có dấu hiệu bắt đầu phục hồi, khi một số lĩnh vực có tín hiệu tốt, nhiều lao động bị ngừng việc đã có công việc trở lại.
Xây dựng thị trường lao động đủ năng lực cạnh tranh
Để người lao động được tiếp cận với những vị trí việc làm chất lượng, đồng thời bảo đảm tính bền vững của việc làm, dưới góc độ tư vấn - tuyển dụng lao động, Giám đốc điều hành Navigos Search Việt Nam (đơn vị quản lý trang thông tin việc làm Vienamworks) Nguyễn Phương Mai cho rằng, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu thiết kế, xây dựng thị trường lao động theo hướng linh hoạt, đủ năng lực cạnh tranh. Công tác đào tạo nghề cho người lao động cần gắn kết chặt chẽ hơn với doanh nghiệp và thị trường…
Từ kinh nghiệm quản lý nhà nước ở địa phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, việc triển khai đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và phát triển thị trường lao động là giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng việc làm cho người lao động. Theo hướng này, Hà Nội tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình đào tạo nghề; quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; thành lập mô hình doanh nghiệp trong nhà trường, nhà trường trong doanh nghiệp… Ngoài ra, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội sắp xếp, đổi mới hoạt động của hệ thống trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm; chủ động ứng dụng công nghệ thông tin để phân tích thị trường lao động, qua đó đưa ra các dự báo về nhu cầu sử dụng lao động theo từng ngành, nghề, lĩnh vực, làm căn cứ để các ngành, địa phương tiến hành đào tạo theo sát nhu cầu…
“Năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn, Hà Nội vẫn giải quyết việc làm cho hơn 180.000 người, đạt 116% kế hoạch; tuyển sinh và đào tạo nghề cho 215.000 lượt người, đạt 102,4% kế hoạch, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 67,5% vào cuối năm 2019, lên 70,25% vào cuối năm 2020, vượt kế hoạch đề ra”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng thông tin thêm.
Ở cấp vĩ mô, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng hai đề án liên quan đến vấn đề lao động, việc làm. Trong đó, đề án “Nâng cao năng lực dự báo cung - cầu lao động” sẽ được xây dựng đa tầng, đa lĩnh vực, rõ thông tin, dữ liệu cả về ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Còn đề án “Hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030” gồm nhiều giải pháp cụ thể để hỗ trợ thị trường phát triển theo hướng năng động, hiện đại, tăng sức cạnh tranh.
Trước mắt, Bộ định hướng cho các đơn vị chức năng tổ chức tuyển sinh học nghề gắn liền với tuyển dụng lao động; tập trung ưu tiên đào tạo nghề cho lực lượng lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lao động nông thôn, lao động làm việc ở khu vực kinh tế phi chính thức… Giai đoạn 2021-2025, cả nước phấn đấu tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 19 triệu lượt người; đưa tỷ lệ lao động trong độ tuổi qua đào tạo tăng từ 64,5% hiện nay lên hơn 70% vào năm 2025...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.