Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Miệt vườn" trên non cao

Bài, ảnh: Bạch Thanh| 22/04/2018 06:58

(HNM) - Đà Giang mùa này nước trong xanh, hiền hòa uốn lượn bên sườn đê vững chãi khiến cảnh núi rừng hùng vĩ thêm thơ mộng...


Vườn cây ăn quả của anh Trần Anh Hào trên đất đồi Khánh Thượng.


Nghĩ là làm!

Tôi từng nghe vị Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng Nguyễn Trung Thành khoe: Từ tháng 8 năm trước đến tháng 3 năm sau, nhà báo lên Khánh Thượng sẽ gặp những vườn bưởi, vườn cam trĩu quả, đẹp không kém gì các miệt vườn Nam Bộ. Nghe thấy lạ, bởi Khánh Thượng vốn là vùng đồi núi cằn cỗi, nhiều năm chỉ trồng bạch đàn, phi lao, sắn, đót, ngô, khoai...? Vậy là tôi quyết định lên đường. Chủ của những “miệt vườn” này là anh Trần Anh Hào, xuất thân trong gia đình trồng rừng có tiếng của huyện Ba Vì. Ngay từ nhỏ, anh Hào đã được cha truyền cho tình yêu với đất, với rừng... Bố anh Hào, ông Trần Như Hiệp được coi là một trong những chủ rừng lớn nhất và có công phủ xanh nhiều đất trống trên địa bàn xã Khánh Thượng từ những năm 80 của thế kỷ trước. Tiếp nối truyền thống gia đình ươm mầm xanh trên đất cằn, sau khi rời quân ngũ trở về địa phương, anh Hào nối nghiệp ngay nghề trồng rừng của gia đình...

Cùng anh Hào chạy xe máy lòng vòng men sườn đồi khá lâu, tôi sốt ruột hỏi: Sắp tới "miệt vườn" của anh chưa? Anh chỉ cười: Cứ đi rồi đến... Rồi một ngôi nhà nhỏ hiện ra, nằm lưng chừng đồi, bốn bề phủ đầy các loại cây lấy gỗ, cây xanh, cây ăn quả; xa xa là hồ nước trong xanh; và tiếp đó là dòng Đà Giang nhỏ như một dải lụa biếc uốn mình ôm ấp xóm làng. Chỉ tay về các hướng, anh bảo: Kia là đồi bơ, kia là đồi bưởi, tiếp nữa là đồi cam…

Trước đây, khi bà con trong vùng vẫn chỉ quanh quẩn với cây keo, bạch đàn thì anh lại có hướng làm giàu khác. Sau nhiều năm trồng keo và bạch đàn, gia đình anh cũng chỉ thu hoạch 15 triệu đồng - 20 triệu đồng/ha. Anh suy nghĩ “phải trồng một loại cây khác”. Nghĩ là làm! Cây đầu tiên anh chọn là các loại bưởi, từ bưởi Diễn, bưởi hồng đào rồi đến cây cam… Nhưng khó nỗi, đất ở đây cằn cỗi, trồng bạch đàn, phi lao vài năm vẫn còi cọc thì trồng bưởi, cam lấy đâu ra quả? Để giải quyết khó khăn này, anh kết hợp mô hình chăn nuôi lợn, nuôi gia cầm để lấy chất thải cải tạo đất.

Chỉ 6 năm qua, anh đã trồng được 5ha bưởi các loại, 12ha cam các loại, như cam lòng vàng, cam V2 của Cao Phong, cam Canh. Đất không phụ công người. Sau 6-7 năm vất vả, năm 2017, anh đã thu tới 8 vạn quả bưởi, hơn 30 tấn cam. Bưởi tuy ngon nhưng do giao thông khó khăn, xa trung tâm lại cheo leo trên đỉnh đồi nên anh chỉ bán tại vườn với giá trung bình từ 15.000 đến 20.000 đồng/quả; còn cam là 20.000 đồng/kg. Dù giá bán không cao như nhiều nơi khác, nhưng với sản lượng lớn, gia đình anh có nguồn thu gấp nhiều lần so với 20 năm trồng keo, bạch đàn. Từ đó càng khẳng định việc chuyển đổi đất đồi rừng trồng cây kém hiệu quả sang cây có giá trị cao của gia đình anh Hào thực sự mở ra hướng làm vườn rừng mới trên đất Mường Khánh Thượng.

Và những ấp ủ...

Anh Hào chia sẻ: "Bất kỳ lúc nào có thời gian là tôi lại đi thăm các vùng làm nông, lâm nghiệp ở mọi vùng miền... Trong một lần vào Đà Lạt, được thăm vườn bơ, tìm hiểu về điều kiện khí hậu, nhìn chất đất, tôi thầm ao ước: Nếu như có được một đồi bơ như vậy thì quả là có kế sinh nhai bền vững, vì thị trường bơ ở khu vực phía Bắc chưa khi nào ế ẩm, thường phải nhập từ miền Nam, Tây Nguyên... Hiện nay ở nhiều vùng chuyên canh cây ăn quả có quy mô lớn như Bắc Giang, Hòa Bình… sức ép thị trường lên các loại cây phổ biến như cam, bưởi đang rất lớn. Do đó tôi không thể “liều” chuyển đổi toàn bộ hơn 32ha đồi rừng sang cam và bưởi được. Tin chắc vào điều đã nghĩ, anh đặt 200 cây bơ giống về trồng thử nghiệm trên 1,8ha đồi của gia đình. Bằng sự cần cù, chịu khó, sáng tạo và ham học hỏi, sau hai năm, 1,8ha bơ đã bói quả, hầu hết có trọng lượng 0,6 - 0,8kg/quả, thậm chí, nhiều quả nặng tới 1,4kg. Quả bơ Khánh Thượng vỏ xanh, ruột vàng, thơm, ngon không kém bất kỳ loại bơ thượng hạng nào từ các tỉnh phía Nam. Thành công bước đầu đã khích lệ anh tiếp tục ươm giống, dự kiến sẽ mở rộng tới 10ha...

Một loại cây nữa mà anh Hào say sưa, tâm huyết chính là cây sa chi để lấy hạt giàu dinh dưỡng. Cây này được trồng phổ biến trên đất đồi núi của tỉnh Cao Bằng nhưng quy mô nhỏ lẻ, sản lượng rất ít. Hạt sa chi sau khi rang chín, ăn ngon không kém gì các loại điều, mắc ca. Nếu trồng thành công chắc chắn sẽ tiêu thụ tốt. Hiện loại đặc sản này, sau rang sấy có giá tới 50.000 đồng/100g. Ngoài ra, hạt sa chi cũng được nhiều đơn vị sẵn sàng thu mua để làm dầu ăn vì rất giàu omega 3. Anh Hào mới trồng thử nghiệm 200 gốc, qua 7 tháng, cây sa chi đã ra quả và hứa hẹn sản lượng khá cao. Anh Hào kỳ vọng nhân rộng lên 5ha trong thời gian ngắn vì loại cây này dễ trồng, cho thu hoạch nhanh ngay trong năm. Ngoài ra, tại hành lang giao thông trên đồi Bù Nu, anh Hào chọn một số cây lấy gỗ loại quý, có khả năng giữ đất, chống sạt trượt…

Đắm đuối với nghề, anh Hào chia sẻ: "Làm nông - lâm nghiệp nhiều rủi ro bởi những yếu tố thời tiết, thị trường. Dù vậy, nếu sản xuất mô hình đa canh, vừa chăn nuôi vừa trồng trọt như gia đình tôi thì kinh tế vẫn trụ vững. Một vấn đề khó nữa với người trồng rừng, tuy là chủ đồi rừng, trồng, chăm sóc vườn rừng hằng ngày nhưng chưa được giao đất, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng... Tất nhiên, tôi cùng gia đình vẫn chọn gắn bó với rừng bởi tình yêu rừng trong tôi vốn đã thấm sâu. Hơn nữa, rừng nuôi con người và con người phải có trách nhiệm nuôi dưỡng và bảo vệ rừng”.

Phó Trưởng trạm Kiểm lâm Ba Trại Đỗ Anh Tuấn cho biết, trước đây khu đồi Bù Nu này chỉ lác đác vài cây keo, bạch đàn; đất bạc màu, khó canh tác, nhưng nhờ sự bền bỉ, gắn bó với rừng, mấy chục năm nay, ở Khánh Thượng đã có nhiều mô hình làm giàu từ đất đồi, rừng; điển hình là gia đình anh Hào. Thực tế cho thấy, chỉ khi nông dân làm giàu được từ rừng, từ đất lâm nghiệp, khi đó nông dân sẽ có trách nhiệm với rừng hơn và cùng lực lượng kiểm lâm tham gia tích cực bảo vệ rừng...

Gắn bó với rừng để làm giàu cho gia đình, quê hương đã là đáng quý, nhưng sâu xa hơn, chính tình yêu, sự gắn bó, cách khai thác và bảo vệ rừng của gia đình anh Hào ở Khánh Thượng mới thực là điều đáng trân trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Miệt vườn" trên non cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.