Hà Nội là địa phương có nhiều giống cây ăn quả đặc sản như bưởi Diễn (quận Bắc Từ Liêm), nhãn chín muộn Đại Thành (huyện Quốc Oai), ổi Đông Dư (huyện Gia Lâm), cam Canh (huyện Hoài Đức)… Để nâng cao giá trị từ những giống cây chất lượng này, thành phố đã sớm quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh, thiết lập mã vùng trồng và bước đầu tiếp cận đến xây dựng các khu chế biến để phục vụ xuất khẩu.
Mở rộng thị trường
Cách đây hơn 5 năm, những lô hàng nhãn chín muộn lần đầu xuất khẩu sang Mỹ, Australia và Maylaysia đã mở ra hướng đi mới cho cây ăn quả của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn, từ khởi đầu lô hàng nhãn chín muộn xuất khẩu, tư duy về sản xuất, thu hoạch và kết nối thị trường của nông dân trồng nhãn đã có những chuyển biến rõ nét. Người dân đã chú trọng đưa khoa học, kỹ thuật vào các quy trình, bảo đảm chất lượng theo quy trình VietGAP, nên chất lượng quả được nâng lên, mã quả sáng, đẹp hơn, được thị trường đón nhận. Hiện tại, vùng nhãn chín muộn xã Đại Thành với 115ha, ước tính cho sản lượng khoảng 2.500 tấn/năm, đạt doanh thu hơn 50 tỷ đồng.
Không chỉ có nhãn chín muộn, vùng chuyên canh chuối của huyện Ba Vì ở ven sông Hồng, sông Đà tại các xã: Minh Châu, Chu Minh, Thuần Mỹ… có quy mô 300ha đang mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân nơi đây. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thuần Mỹ Nguyễn Thị Nụ cho hay, được sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp, vùng trồng chuối Thuần Mỹ và một số vùng chuối khác tại Ba Vì đã được các chuyên gia Nhật Bản sang tư vấn, hướng dẫn sản xuất. Theo đó, 100% diện tích trồng chuối của hợp tác xã được trồng theo quy trình khép kín, đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Cùng với xuất khẩu trái chuối tươi, hợp tác xã đã đầu tư nhà xưởng để sơ chế, chế biến cùng hệ thống dây chuyền thu hoạch; máy chế biến khô, dẻo; hệ thống kho lạnh… Hiện, sản phẩm chuối của hợp tác xã đã được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc…
Đánh giá về các vùng trồng cây ăn quả tại Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa thông tin, hiện Hà Nội đã xây dựng được 14 vùng sản xuất cây ăn quả giá trị cao, diện tích 15.500ha, tập trung tại các huyện: Đan Phượng, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Quốc Oai…, với 4 loại cây chủ lực: Bưởi, cam, chuối, nhãn và cho thu nhập từ 300 đến 800 triệu đồng/ha/năm. Nhiều vùng cây ăn quả của Hà Nội đã được cấp mã vùng để xuất khẩu và mã QR để truy xuất nguồn gốc.
Tiếp tục ứng dụng công nghệ cao
Mặc dù cây ăn quả là nhóm cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, song để khai thác thế mạnh, phát huy tối đa nguồn lực từ nhóm cây trồng này, ngành Nông nghiệp Thủ đô cần phải ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, chế biến... Về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng) Bùi Tất Thêm cho biết, dòng bưởi Diễn tôm vàng được đánh giá cao về chất lượng, thơm ngon. Mặc dù, vùng trồng bưởi Diễn tôm vàng của Hạ Mỗ rộng hơn 45ha đã được dán nhãn QR truy xuất nguồn gốc để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm thông qua chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn Hà Nội, song việc bảo quản bưởi Diễn rất khó khăn. Đây cũng là vùng bưởi được rà soát để xây dựng quy trình xuất khẩu sang Mỹ. “Để phát huy thế mạnh từ cây bưởi Diễn tôm vàng, cần phải đầu tư dây chuyền chế biến, ép nước để xuất khẩu”, ông Bùi Tất Thêm nhấn mạnh.
Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thuần Mỹ Nguyễn Thị Nụ, hiện các nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại tại Hà Nội bán rất nhiều loại nước trái cây nhập khẩu, các loại bánh, sản phẩm sấy khô từ cây ăn quả. Trong khi đó, Hà Nội có nguồn lực về sản xuất, chủng loại cây ăn quả thì cần khai thác thế mạnh này để tăng giá trị.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương thông tin, toàn thành phố hiện có hơn 22.000ha cây ăn quả các loại, trong đó có 14 vùng trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, với quy mô từ 3ha/vùng trở lên. Hà Nội sẽ tập trung vào những vùng trồng này và quy hoạch để định hướng đầu tư cho chế biến, xuất khẩu. Theo đó, ngành Nông nghiệp tiếp tục kết nối với các chuyên gia, doanh nghiệp nước ngoài khảo sát, rà soát để có thể xây dựng vùng sản xuất gắn với chế biến, phục
vụ xuất khẩu. “Qua chương trình trao đổi, hợp tác với ngành Nông nghiệp Mỹ, nhiều giống cây ăn quả của Hà Nội được đánh giá cao, có đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ. Hiện tại, ngành Nông nghiệp đang phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá lại các vùng sản xuất có đủ điều kiện xuất khẩu, từ đó mở rộng thiết lập hồ sơ đăng ký mã số vùng trồng và tính toán kết nối thị trường”, ông Nguyễn Mạnh Phương cho hay.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thành phố sẽ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng trồng cây ăn quả, áp dụng cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất quy mô lớn. Từ nay đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu có từ 50% đến 70% diện tích cây ăn quả được chứng nhận chất lượng. Hà Nội cũng tiếp tục rà soát, thiết lập mã số các vùng trồng và cập nhật đầy đủ thông tin lên cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, đáp ứng các yêu cầu, quy định về xuất khẩu.
“Hà Nội sẽ nghiên cứu, hoàn thiện quy hoạch, lấy ý kiến tham vấn, đề xuất các cơ quan chức năng điều chỉnh, sửa đổi Luật Thủ đô, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp. Đồng thời, tăng nguồn ngân sách để thực hiện các chương trình, đề án, dự án của ngành Nông nghiệp; xây dựng cơ sở hạ tầng vùng chuyên canh, trong đó có các vùng trồng cây ăn quả”, đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.