Trên địa bàn Hà Nội hiện có nhiều vùng trồng cây ăn quả cho năng suất, chất lượng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Để mở rộng vùng trồng cây ăn quả chất lượng cao, thành phố đã và đang tiếp tục hỗ trợ nông dân về khoa học, kỹ thuật, sản xuất theo hướng an toàn, xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu.
Hình thành 14 vùng trồng cây ăn quả giá trị cao
Những năm qua, sản phẩm nhãn chín muộn đã trở thành cây ăn quả chủ lực của Hà Nội, không chỉ tiêu thụ trong nước, mà còn xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Ông Nguyễn Văn Thành (xã Đại Thành, huyện Quốc Oai) chia sẻ, gia đình có 120 gốc nhãn chín muộn, mỗi năm thu hoạch được từ 30 đến 35 tấn quả, với giá bán 30.000-35.000 đồng/ kg, doanh thu bình quân đạt hơn 1 tỷ đồng/năm.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn, huyện đã phối hợp với ngành Nông nghiệp hỗ trợ nông dân đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nhãn chín muộn theo quy trình VietGAP, nên chất lượng quả được nâng lên, mã quả sáng, đẹp hơn, cho năng suất bình quân 22 tạ/ha và sản phẩm nhãn tươi của địa phương đã được xuất khẩu sang Mỹ, Australia, Malaysia.
Còn theo Chủ tịch UBND xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng Bùi Tất Thêm, toàn xã có hơn 150ha diện tích đất nông nghiệp, trong đó có 45ha trồng bưởi, giá trị đạt khoảng 250-300 triệu đồng/ha/năm. Không những vậy, giống bưởi Diễn tôm vàng được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Hiện tại, vùng bưởi an toàn sinh học của xã Hạ Mỗ đã được các ngành chức năng hỗ trợ dán nhãn QRCode truy xuất nguồn gốc, giúp nông dân đưa sản phẩm tiêu thụ vào các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn thành phố.
Về hiệu quả của cây ăn quả trên địa bàn thành phố, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lê Xuân Trường cho biết, Hà Nội có hơn 22.000ha cây ăn quả các loại, sản phẩm cây ăn quả tương đối đa dạng, mùa nào thức đó, trong đó có 60% diện tích trồng các loại cây đặc sản: Cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn, ổi Đông Dư… Ngoài ra, còn có một số giống cây ăn quả mới du nhập và phát triển trên địa bàn thành phố, như xoài chịu lạnh, thanh long ruột đỏ, ổi không hạt, đu đủ ruột tím…
“Ngoài ra, Hà Nội đã xây dựng được 14 vùng trồng cây ăn quả giá trị cao, diện tích 15.500ha, tập trung tại các huyện: Đan Phượng, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Quốc Oai… đạt giá trị từ 500 đến 800 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 5-6 lần trồng lúa và có những vùng cho thu nhập từ 1 đến 1,5 tỷ đồng/ha/ năm như bưởi đường Quế Dương ở xã Cát Quế, cam Canh tại xã Đắc Sở (huyện Hoài Đức). Hiện một số sản phẩm quả của Hà Nội đã có nhãn hiệu, thương hiệu: Bưởi Chương Mỹ, bưởi Phúc Thọ, bưởi Quế Dương, bưởi sạch Sóc Sơn, bưởi tôm vàng Đan Phượng… và một số sản phẩm quả đã xuất khẩu…”, ông Lê Xuân Trường thông tin thêm.
Sản xuất gắn với nhu cầu thị trường
Hiện tại, nhiều địa phương trồng cây ăn quả vẫn tự phát, không theo quy hoạch, nhu cầu của thị trường và chưa chú trọng sản xuất theo hướng an toàn.
Chủ tịch Hội Sản xuất và Kinh doanh bưởi Cát Quế (huyện Hoài Đức) Nguyễn Như Hảo cho biết, để cây ăn quả tiêu thụ ổn định, các ngành chức năng cần hỗ trợ nông dân về liên kết chuỗi với doanh nghiệp, nhằm đưa sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại. Cùng với đó, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng vùng trồng theo hướng VietGAP, bảo đảm các tiêu chí để xuất khẩu.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển, huyện có 394,2ha cây ăn quả, tập trung ở các xã: Kim An, Thanh Cao… Thời gian tới, huyện tiếp tục mở rộng các mô hình trồng cây ăn quả theo quy trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP, hữu cơ; gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm. Cùng với đó, huyện sẽ hỗ trợ về cơ sở hạ tầng cho các vùng trồng cây ăn quả tập trung, xây dựng thương hiệu, kết hợp với du lịch sinh thái để đa dạng hóa các loại hình dịch vụ từ nông nghiệp, nâng cao đời sống cho người dân.
Còn theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, Hà Nội phấn đấu trồng được 23.206ha cây ăn quả, nhất là phát triển cây trồng đặc sản địa phương, có giá trị kinh tế cao như nhãn chín muộn, bưởi Diễn, cam Canh, táo, ổi... Đặc biệt, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất quy mô lớn, phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 50-70% diện tích cây ăn quả được chứng nhận chất lượng.
“Hà Nội tiếp tục cập nhật đầy đủ thông tin lên cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói; tập huấn cho người trồng, bố trí đầy đủ nguồn lực phục vụ thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, đáp ứng các yêu cầu quy định của nước nhập khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết với doanh nghiệp để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; xác định rõ từng khu vực để phát triển loại cây ăn quả, phù hợp với nhu cầu thị trường…”, ông Nguyễn Mạnh Phương nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.